Nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3: Cùng san sẻ yêu thương
Dù không cùng quan hệ huyết thống song những người làm công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vẫn hằng ngày dành tình yêu thương, sự sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn bằng những việc làm thiết thực.
Hành động ý nghĩa này đã giúp cho những trường hợp kém may mắn trong cuộc sống có nơi nương tựa, được chăm lo đời sống hằng ngày.
* Truyền hơi ấm tình thân
Em Nguyễn Thị Tuyết Hồng, 15 tuổi, hiện được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nói: “Con ở đây được các cô chú chăm sóc, lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ. Đối với con, mỗi cô chú tại trung tâm đều là người thân thiết, gần gũi”.
Tuyết Hồng cũng như hầu hết các trẻ em tại đây vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh khi vừa mới ra đời. Khi được hỏi hình dung của bản thân ra sao về gia đình, các em trả lời không biết và không tưởng tượng được về một gia đình có đầy đủ tình thương của cha mẹ, anh chị em sẽ ra sao. Thay vào đó, người các em tiếp xúc nhiều là các cô chú làm việc tại trung tâm. Vậy nên, với các em, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là nhà và các cô chú làm việc tại đây là người thân.
Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25-3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Ngoài tôn vinh những người làm nghề công tác xã hội, đây còn là dịp để nêu cao vai trò của mỗi người trong phát huy truyền thống thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho hay, những trường hợp được chăm sóc ở trung tâm đều có đặc điểm chung là thiếu sự chăm sóc, thương yêu, đùm bọc của người thân, gia đình. Do vậy, ngoài đảm bảo đúng, đủ các chế độ ăn mặc, chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp, mỗi thành viên làm công tác xã hội ở trung tâm còn đóng vai trò là người truyền hơi ấm của tình thân đến với từng trẻ em.
Chị Đặng Thị Tình - người đã có 13 năm gắn bó với công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho hay, năm 19 tuổi, chị bắt đầu vào làm việc tại trung tâm. Những ngày đầu mới nhận việc, mọi thứ khác hẳn so với những gì chị hình dung trước đó. Khi bắt đầu công việc, chính tình thương yêu đã giúp chị vượt qua những khó khăn, căng thẳng trong chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Chị Tình nói: “Hiện tôi đã có 2 con. Con tôi phát triển bình thường, có cha mẹ chăm sóc đầy đủ nhưng chỉ cần xa con đi làm là tôi đã nhớ nhung. Vậy nên khi nhìn các cháu không có cha mẹ bên cạnh tôi thấy rất thương và muốn san sẻ tình thân với các em. Chính điều này giúp tôi bình tĩnh lúc gặp vấn đề căng thẳng khi các em quấy khóc, không vâng lời, làm chất thải đổ ra giường, ra phòng ở… ”.
* Nỗ lực với nghề
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc 73 trẻ em, trong số này có 55 trẻ thuộc dạng khuyết tật; còn lại là trẻ dưới 3 tuổi. Những em này hầu hết không thể tự chủ trong ăn uống và sinh hoạt cá nhân khác nên đòi hỏi mỗi nhân viên phải có phương pháp chăm sóc trẻ riêng và phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại. Bởi để đảm bảo việc chăm sóc, mỗi phòng lúc nào cũng phải có người túc trực 24/24 giờ. Mỗi lao động tại đây phải đảm nhận tất cả công việc từ cho ăn đến việc vệ sinh cá nhân… Nên không quá khi nói rằng để gắn bó được với nghề này ngoài động lực là có nơi làm việc ổn định thì chính tâm huyết với nghề, lòng yêu trẻ là sợi dây gắn kết kéo mỗi người ở lại với trung tâm.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 359 người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi.
Vừa cho một trẻ mới gần 3 tháng tuổi uống sữa, bà Nguyễn Thị Thắm cho hay, bà có hơn 30 gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Năm 2020, bà nghỉ hưu theo chế độ nhưng gắn bó với công việc thành quen, sau khi nghỉ hưu bà tiếp tục tham gia làm nhân viên hợp đồng tại trung tâm và đảm nhận chăm sóc các trẻ dưới 3 tuổi.
Chính vì công việc vất vả, chịu nhiều áp lực nên việc tuyển dụng lao động vào trung tâm gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, hằng năm trung tâm đều đăng thông tin tuyển dụng nhưng rất khó tuyển được người. Nhiều trường hợp đến ứng tuyển sau khi đi một vòng tham quan, tìm hiểu công việc cụ thể thì chào ra về vì thấy công việc cực nhọc và áp lực, khác xa những gì họ tưởng tượng. Vì vậy, để đảm bảo tốt việc chăm sóc trẻ em, trung tâm luôn động viên những người đang gắn bó với công tác bảo trợ xã hội, để họ yên tâm với công việc nhiều ý nghĩa này.
Cùng với các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, trên địa bàn tỉnh còn có 14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận hoạt động và đang tiếp nhận quản lý chăm sóc nuôi dưỡng hơn 1 ngàn người thuộc diện bảo trợ xã hội không có điều kiện sinh sống tại cộng đồng.