Nhân Ngày Đái tháo đường thế giới (14-11):: Hiểu nguy cơ để phòng bệnh hiệu quả
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) đang trở thành mối lo của rất nhiều người. Bệnh đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, người dân cần hiểu được những nguy cơ mắc bệnh để có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
* 7 triệu người Việt Nam mắc bệnh tiểu đường
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cả nước hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm 7,3% dân số. Bệnh không chỉ xuất hiện ở thành thị mà còn ở khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nhiều tác hại cho sức khỏe, có thể gây tàn phế, thậm chí tử vong, bởi thường được phát hiện và điều trị muộn.
Trong số 7 triệu người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường, có hơn 55% bệnh nhân gặp các biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh, thận, lở loét chân… Từ đó làm tăng chi phí điều trị, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, qua xét nghiệm sàng lọc và tư vấn cho người dân đã phát hiện trên 2 ngàn ca mắc mới bệnh tiểu đường và gần 1,5 ngàn người đang ở giai đoạn tiền tiểu đường. Ngoài ra, có hơn 16 ngàn lượt bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị thường xuyên tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh.
Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây ra rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Chủ đề Ngày Đái tháo đường thế giới năm 2023 là Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh.
Hơn 8 năm nay, bà Trịnh Thị Kim Liên (68 tuổi, ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) phải đến Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu mỗi tháng một lần để khám bệnh và lấy thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Bà Liên cho biết, trước khi được chẩn đoán bệnh, bà thường xuyên đi tiểu, nhất là ban đêm, luôn cảm thấy khát nước và uống rất nhiều nước. Sau khi bác sĩ làm xét nghiệm, bà Liên được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, được bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc để hạn chế các biến chứng của tiểu đường.
BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, thời gian qua, khoa tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường. Trong đó có nhiều trường hợp phát hiện bệnh trễ dẫn đến các biến chứng về thận, mắt. Có những trường hợp bị lở loét chân, phải cắt cụt chân, chi phí điều trị cao.
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tần suất mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng rất nhanh. Trong thực tế, có rất nhiều người mắc bệnh mà không hay biết do không có triệu chứng cụ thể và người dân cũng không đi khám sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ tử vong do bệnh tiểu đường đang đứng thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm. Người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ não cao hơn nhiều so với những người không bị bệnh.
* Nguy cơ và cách phòng ngừa
Theo Tổ chức Y tế thế giới, những nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường gồm: thừa cân, béo phì; lối sống thụ động, ít vận động; tiền căn gia đình (nếu có người thân như: cha, mẹ, anh chị em ruột bị tiểu đường type 2 sẽ có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn).
Ngoài ra, những trường hợp có chỉ số đường huyết cao gần đến ngưỡng bệnh tiểu đường; sản phụ bị tiểu đường thai kỳ; phụ nữ có tiền căn sinh con nặng trên 4kg; tăng huyết áp; rối loạn lipid máu; phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang; có tiền sử mạch vành; vòng eo lớn; người từ 45 tuổi trở lên… cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
BS CKI Đỗ Quốc Chung, chuyên ngành Nội tiết, đái tháo đường, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay, ngoài những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi, chủng tộc, có những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi lối sống, cách ăn uống, sinh hoạt.
Khi xác định mình thuộc nhóm nguy cơ, người dân nên đi làm xét nghiệm ngay để phát hiện sớm bệnh nếu có. Nếu chỉ số đường huyết ở mức tiền tiểu đường, cần có chế độ ăn uống phù hợp như: Ăn vừa đủ theo nhu cầu của cơ thể, ăn uống đúng giờ giấc, cắt giảm đồ ăn, trái cây ngọt, tinh bột, những thức ăn nhanh, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường. Tăng cường ăn rau xanh, chất xơ, những thức ăn ít đường, ít dầu mỡ. Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia. Tích cực tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe…
Người dân cũng nên khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đường huyết từ 3-6 tháng/lần để biết được tình trạng sức khỏe của mình và có biện pháp phòng bệnh phù hợp.