Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: 'Đột phá', khẳng định vai trò dẫn dắt
Trong bối cảnh doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần ngày càng có nhiều cơ hội đổi mới và phát triển cũng như thách thức trong hội nhập, thì doanh nghiệp nhà nước càng cần có những đột phá nhằm xứng đáng hơn nữa với vai trò, sứ mệnh của mình.
Quy mô to lớn
Theo ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn nhất tăng đáng kể so với 2018 - thời điểm doanh nghiệp được chuyển về Ủy ban này để quản lý. Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu của các đơn vị trên thời điểm cuối năm ngoái là hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tức tăng gần 10% sau 5 năm.
Tổng tài sản các doanh nghiệp này nắm giữ đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước. Doanh thu từ các tập đoàn, tổng công ty này tương đương 20% GDP năm 2022 (gần 82 tỷ USD). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản (TKV) là những đơn vị ghi nhận doanh thu ấn tượng, đóng góp nhiều vào ngân sách chung.
Một số tập đoàn lớn cũng nắm giữ sự chi phối trong lĩnh vực quan trọng, tạo điều kiện và nền tảng cho đời sống và sản xuất kinh doanh như EVN, PVN hay các doanh nghiệp xăng dầu do Nhà nước sở hữu đang chiếm hơn 80% thị phần bán lẻ. Thực tế cũng ghi nhận sự trưởng thành, uy tín của một số tên tuổi trên thị trường như Viettel, VNPT…
Theo Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), năm 2022, lượng vốn đầu tư của (doanh nghiệp nhà nước) DNNN tăng 13,1%, cao hơn mức bình quân cả nước là 11,2%. Kết quả tổng hợp từ 30 tập đoàn tổng công ty cho biết doanh thu của các đơn vị này đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 248 nghìn tỷ đồng nên được đánh giá cao hơn hẳn so với đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài với lợi nhuận trước thuế khoảng 108 nghìn tỷ đồng.
Nhìn chung DNNN nắm giữ khối tài sản rất lớn và hoạt động khá ổn định, bảo toàn cũng như phát triển được vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, thường xuyên tham gia bình ổn thị trường đối với hàng hóa dịch vụ thiết yếu, gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng thực hiện vai trò “anh cả” trong việc bảo đảm yêu cầu liên quan đến quốc kế dân sinh.
Cải thiện năng lực, nâng cao vai trò
Tuy vậy, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhận định, khu vực DNNN vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, nguồn lực để thể hiện tầm quan trọng, tính động lực đối với tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia cũng nhận định, đến nay hầu hết DNNN chưa tiếp cận, làm chủ được các công nghệ lõi, có sản phẩm đạt đẳng cấp cao, giá trị gia tăng cao hoặc đạt tới quy mô khu vực, thế giới để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế kết hợp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, Việt Nam còn thiếu những tập đoàn lớn, đủ tầm vóc, có sức ảnh hưởng sâu rộng để lan tỏa trong nền kinh tế, dẫn dắt các đơn vị khác cùng phát triển…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, DNNN cần nâng cao sức cạnh tranh toàn diện, xác định rõ những lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, tập trung nguồn lực vào hoạt động mang tính dẫn dắt và thể hiện tính tiên phong của mình. Giới chuyên gia cũng chia sẻ tầm nhìn cũng như sự thay đổi, chuyển động trong chuỗi cung ứng toàn cầu với gợi ý là hiện đang xuất hiện nhiều cơ hội, sự đa dạng về xu hướng theo hướng toàn cầu hóa để DNNN tham gia như các ngành công nghệ cao gồm sản xuất chất bán dẫn, logistics, các ngành sản xuất xanh, năng lượng tái tạo…
Theo đó, DNNN nên tiếp cận, nhanh chóng tận dụng những dư địa trên thị trường quốc tế nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu trên cơ sở phát huy lợi thế về quy mô, năng lực công nghệ, nguồn nhân lực. Nói cách khác, sứ mệnh của DNNN là đảm nhận những việc khó, việc lớn như “xương sống” của nền kinh tế, tạo động lực phát triển dài hạn; nhường các thị trường còn lại cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia, phát triển.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, thời gian tới, DNNN cần chuyển đổi theo hướng chuyên sâu, chủ động đầu tư “đủ tầm” cho công nghệ mới; nắm bắt xu hướng tiêu dùng và nhu cầu nội địa cũng như toàn cầu để cập nhật, làm chủ tình hình nhằm phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa cung cách quản trị doanh nghiệp, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả; nâng cao năng lực sáng tạo và nghiên cứu-ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ…
Cuối cùng là cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng quyền chủ động, tự quyết cho mỗi DNNN nhằm bảo đảm tối đa hóa lợi nhuận và hiệu quả từng đồng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, từng bước thí điểm mô hình, cơ chế mở để cho phép DNNN tăng khả năng tự chủ nhất là về hoạt động đầu tư, tự quyết về chế độ lương-thưởng, thu nhập, thu hút nhân tài; từ đó khuyến khích cách làm, tư duy sáng tạo trong kinh doanh…