Nhân Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Ất Tỵ): Dấu ấn Hùng Vương trên đất Vụ Bản
Vụ Bản là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử từ thời các Vua Hùng. Theo các tư liệu cổ, nơi đây từng thuộc bộ Lục Hải của quốc gia Văn Lang và được biết đến với tên gọi huyện Bình Chương trong buổi đầu dựng nước. Từ thuở xa xưa, người Lạc Việt đã theo dòng sông Hồng về nơi đây khai phá đất đai. Những di chỉ khảo cổ quý giá như mảnh gốm thô, mũi tên, trống đồng... là chứng minh rằng cộng đồng cư dân Vụ Bản đã hình thành từ rất sớm, ghi dấu ấn rõ nét trong lịch sử khởi nguyên của dân tộc.

Lễ hội làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), ngôi làng có từ thời Vua Hùng mang tên Kẻ Si.
Trải dài khắp vùng thượng, trung đến hạ huyện, Vụ Bản có nhiều làng cổ bắt đầu bằng chữ “Kẻ” như Kẻ Đế, Kẻ Si, Kẻ Gạo, Kẻ Phạm, Kẻ Đại… Phần lớn những địa danh này tồn tại trước khi xuất hiện Hán tự, phản ánh sinh hoạt của lớp cư dân Việt cổ. Chẳng hạn, làng Định Trạch xưa (nay là xã Thành Lợi) từng gọi là Kẻ Khổng, gắn với truyền thuyết dấu chân người khổng lồ in trên cánh đồng. Còn ở xã Kim Thái, các địa danh Kẻ Dầy, Kẻ Báng cũng được lưu truyền gắn với câu chuyện lập xóm, khởi làng. Những tên đất thuở ấy hòa quyện với ký ức cộng đồng, bồi đắp thành lớp trầm tích vừa chân thực, vừa mang màu sắc huyền thoại. Vụ Bản nổi tiếng vì sở hữu nhiều đền, miếu thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Qua quá trình khảo sát, giới nghiên cứu đếm được hàng chục bản thần phả, ghi chép về hơn 50 nhân thần, tướng lĩnh và dòng dõi hoàng tộc. Đặc biệt, 75 đền, miếu lớn nhỏ trải khắp huyện đều có yếu tố liên quan đến Hùng Vương. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) người đã dành nhiều năm sưu tầm, biên soạn tài liệu lịch sử về huyện Vụ Bản khẳng định, tín ngưỡng Hùng Vương tại Vụ Bản rất đa dạng. Từ nhân vật hoàng tộc trong thần thoại, đến tướng tài đánh giặc Ân, giặc Thục, tất cả đều có bàn thờ, sắc phong và lễ nghi trang trọng.
Một điểm nhấn nổi bật là cụm bảy làng Kẻ Đế (nay thuộc xã Đại Thắng) thờ ba hoàng tử Bắc Hải, Tây Hải, Bắc Nhạc. Tương truyền, các ngài là anh em cùng cha khác mẹ với Hùng Vương thứ nhất. Sau khi chia nhau cai quản, Chàng Cả và Chàng Hai trấn giữ miền Biển Đông, Chàng Ba lưu lại vùng Lục Hải. Bảy ngôi đền trong các làng Kẻ Đế hiện vẫn còn, chứa nhiều thần phả, sắc phong từ thời Lê, Nguyễn, khẳng định truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cư dân địa phương. Ở vùng trung của huyện, làng Hổ Sơn (xã Liên Minh) gắn với tích Vua Hùng Huy Vương đi tuần. Tại đây, ông thấy hổ xuất hiện rồi lẩn khuất sau núi, liền gọi đó là “Hổ Phục sơn”. Khu vực Hổ Sơn có tích “thất cầm mãnh hổ”, bảy tráng sĩ dưới quyền quan lang Hoàng Đào, theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Vua Hùng ghi công, phong Hoàng tộc Đại vương làm Bộ chủ miền Hoài Hoan. Dân làng Hổ Sơn lập đền thờ ngay dưới chân núi, lưu giữ những huyền tích về một thời oanh liệt. Cũng tại ấp Giá chân núi Hổ, hai anh em họ Bùi (Bùi Ngọc Thành, Bùi Thị Hoa) được vua Hùng mến tài, đưa về Phong Châu tham chính. Sự kiện ấy cho thấy vùng đất Vụ Bản không chỉ có võ dũng cứu nước, mà còn có hiền tài phò vua trị quốc ngay thuở sơ khai.
Tại xã Hiển Khánh, đền Hạnh Lâm thờ hai bộ tướng Minh Gia Thiên Tử, Minh Tôn Thiên Tử - con của vị bộ chủ dòng dõi Lạc Long Quân. Họ đã giúp Thánh Gióng dẹp loạn giặc Ân rồi hóa ngay chính quê nhà, được dân tôn làm thành hoàng. Ở đền Môn Nha kế cận, Hoàng tử Câu Mang - con Vua Hùng Nghị Vương - cũng được thờ phụng. Tương truyền, Câu Mang từng chu du khắp nơi giải trừ thiên tai, về sau cùng Tản Viên Sơn Thánh chống Thục Phán. Trở về qua Bố Chính, ông hóa về trời; những nơi ông ghé qua đều lập đền miếu ghi công. Câu chuyện này thể hiện đức độ, tài năng của giới hoàng tộc Hùng Vương, đồng thời gửi gắm niềm tin tâm linh vào sự “hiển linh” của các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, Vụ Bản còn gìn giữ nhiều di tích thờ Thần Nông, Hậu Tắc - những vị thần nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt với cư dân lúa nước. Riêng làng Phú Lão (xã Minh Tân nay) dựng miếu Hậu Tắc với tháp năm tầng, xem ngài là Tiên Nông Xã Tắc Đế Thần. Không chỉ có di sản liên quan trực tiếp đến các vua Hùng, mà còn lưu giữ dấu ấn giai đoạn Âu Lạc, Nam Việt về sau. Điển hình là tướng Lữ Gia - vị Thừa tướng kiên trung của nhà Triệu. Hiện nay, huyện Vụ Bản có 11 ngôi đền phụng thờ Lữ Gia, tiêu biểu là đền dưới chân núi Gôi, nơi người ta vẫn gọi ông là Lữ Thánh Công. Tương tự, nhiều tướng lĩnh Nam Việt khác cũng được phụng thờ rải rác trong huyện, làm dày thêm tầng văn hóa. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam nhìn nhận, chính mật độ di tích dày đặc, cùng hàng loạt đền miếu thờ nhân vật thời Vua Hùng là “chứng từ quý giá” khẳng định Vụ Bản có bề dày truyền thống. Những ngôi đền mang nét đẹp uy nghi, chứa thần phả ghi công trạng, gói ghém trong đó niềm tự hào, ý chí quật cường của biết bao thế hệ. Cũng nhờ vậy, người dân hôm nay, nhất là lớp trẻ, có cơ hội tiếp xúc với lịch sử buổi đầu qua hình thức lễ hội làng, dâng hương giỗ tổ, hay tế lễ tại đền miếu.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vụ Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn di tích. Nhiều ngôi đền như: Hạnh Lâm, Hổ Sơn, Lữ Gia… được tu bổ, nâng cấp. Nhiều bản ngọc phả, sắc phong cũ được nhà nghiên cứu địa phương sưu tầm, dịch thuật, lưu trữ. Các hoạt động như lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch), rước nước, rước kiệu, thi bơi chải, diễn xướng dân gian… đều được phục dựng, khơi dậy lòng tự hào về nguồn cội. Ở các di tích, chính quyền cho lắp đặt thêm bảng giới thiệu, trưng bày bảo vật, cung cấp kiến thức lịch sử cho du khách. Một số địa phương còn tiến hành khảo cứu, biên soạn sách, tài liệu nói về thời Hùng Vương trên đất Vụ Bản. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn huyện cũng tích cực lồng ghép nội dung về lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy. Các buổi tham quan thực tế tại đền, miếu được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về truyền thống cha ông. Đồng thời, chính quyền huyện Vụ Bản cũng khuyến khích tổ chức các hội thảo khoa học, trưng bày triển lãm nhằm quảng bá rộng rãi giá trị di sản. Đây chính là những hoạt động thiết thực, góp phần khơi dậy niềm hứng khởi cho thế hệ trẻ, để họ ý thức rõ gốc rễ, hun đúc tình yêu quê hương và trách nhiệm bảo tồn di sản quý báu.
Những ngôi làng cổ và các di tích liên quan đến nhân vật thời Hùng Vương trên mảnh đất Vụ Bản như những trang sử sống động, gợi nhớ về thuở dựng nước. Những di sản ấy không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn khuyến khích ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống quý báu. Hướng về cội nguồn giúp người dân Vụ Bản thêm yêu quê hương, nhận thức rõ trách nhiệm gìn giữ và truyền lại những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.