Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10): Khuyến học, khuyến tài vì tương lai thế hệ trẻ
Ngày 16-9-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2-10 hằng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam để động viên các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài (KH, KT), xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác KH, KT.
Trao học bổng của Công ty Xi măng Long Sơn cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi năm học 2023-2024.
Sự ra đời của Ngày Khuyến học Việt Nam đã làm cho phong trào KH, KT chuyển mình mạnh mẽ. Không ít học sinh, nhất là học sinh nghèo, học sinh gia đình chính sách, học sinh giỏi đã được thụ hưởng từ kết quả của phong trào KH, KT. Cùng với các cấp hội khuyến học (HKH) trong cả nước, những năm qua, HKH Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực của các cấp HKH cùng sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, phong trào KH, KT trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, lan tỏa từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn.
Hiện tổ chức HKH đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 807 hội cơ sở; tổng số chi hội và ban khuyến học trực thuộc hội cơ sở là 15.915. Các cơ sở hội, chi hội, ban khuyến học đã thu hút 1.044.672 hội viên tham gia, đạt 28,16% dân số toàn tỉnh. Theo đánh giá của HKH tỉnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân đã đưa phong trào KH, KT của tỉnh phát triển ngày càng sâu rộng. Hoạt động của các hội cơ sở và các chi hội ở các xã, phường, thị trấn có sự chuyển biến toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Vai trò của các chi hội dòng họ và khu dân cư ngày càng được khẳng định, đang trở thành mạng lưới chân rết của cả hệ thống hội để đưa các hoạt động khuyến học gắn bó với đời sống hàng ngày của mỗi gia đình và hội viên, tạo nền tảng cơ bản để phát triển bền vững phong trào KH, KT.
Đặc biệt, các cấp hội đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và sáng tạo nhiều mô hình, biện pháp hỗ trợ ngành giáo dục và các nhà trường, như: quản lý học sinh bằng tiếng trống, tiếng kẻng, loa phát thanh khuyến học; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, cắm trại, tham quan; các hoạt động xã hội ở cộng đồng, xây dựng góc học tập, xây dựng tủ sách khuyến học; tổ chức các lớp học tình thương và dạy thêm cho học sinh yếu kém không thu tiền... Nhờ đó, đã xác lập được mối quan hệ thực chất giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội. Ngoài ra, các cấp HKH luôn kiên trì vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để ngăn chặn học sinh có nguy cơ bỏ học, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp; giúp đỡ và vận động trẻ khuyết tật đến trường hòa nhập; vận động các nhà tài trợ ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học...
Để đưa phong trào KH, KT không ngừng phát triển, các cấp HKH trong tỉnh luôn quan tâm, tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học (QKH) và đã có nhiều hình thức xây dựng QKH hiệu quả như: Khuyến học về nguồn, ống tiết kiệm, nuôi lợn nhựa, lợn đất... Đặc biệt, với tấm lòng thơm thảo, chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều loại quỹ lớn mang tên các doanh nhân, doanh nghiệp, như: QKH Doãn Tới, QKH Lê Khả Phiêu; các quỹ học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly, Nâng cánh ước mơ, Cao Văn Đạt, Xi măng Long Sơn, Quỹ Thiện Tâm, Lê Xuân Lan, Nguyễn Đan Quế...
Hiện HKH tỉnh đang quản lý 11 loại QKH với số tiền trên 80 tỷ đồng, như QKH Doãn Tới với chân quỹ 1 triệu USD; QKH, KT Lam Sơn có chân quỹ gần 25 tỷ đồng; Quỹ KH, KT Lê Khả Phiêu có chân quỹ gần 10 tỷ đồng; Quỹ KH, KT Nguyễn Đan Quế đạt gần 10 tỷ đồng; Quỹ học bổng Nguyễn Chích 5 tỷ đồng... Toàn tỉnh hiện có 15 HKH cấp huyện có chân QKH từ 1 tỷ đồng trở lên, như: Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, Yên Định...; có 35 HKH cấp xã có chân quỹ trên 300 triệu đồng trở lên. Qua thống kê, hiện QKH của toàn tỉnh đã đạt hơn 305,4 tỷ đồng. Từ các nguồn quỹ trên, mỗi năm các cấp HKH trong tỉnh đã khen thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập; trao thưởng cho hàng nghìn lượt giáo viên, cán bộ làm công tác khuyến học giỏi, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập không ngừng phát triển. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp HKH trong tỉnh đã trao hỗ trợ và trao học bổng cho 135.176 học sinh, sinh viên với số tiền hơn 106,8 tỷ đồng; khen thưởng cho 162.320 học sinh, sinh viên và giáo viên với số tiền trên 47,1 tỷ đồng. Thường trực HKH tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời trao thưởng cho 61 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các bộ môn văn hóa năm học 2022-2023 với số tiền hơn 100 triệu đồng...
Phong trào KH, KT ở tỉnh ta không dừng lại ở hoạt động xây dựng QKH hay hoạt động hỗ trợ nhà trường, mà còn được lan tỏa và nhân rộng thông qua các mô hình tiêu biểu như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, công dân học tập. Từ đó, những gia đình, dòng họ, làng, bản vốn nghèo khó ít được học đã vượt lên chính mình, biến những điều không thể thành có thể bằng chính nghị lực và quyết tâm không chịu dốt, chịu nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 912.639/956.843 gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập; 9.498/11.233 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ học tập; 1.463.819/3.732.760 công dân đăng ký xây dựng công dân học tập... Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, thúc đẩy phong trào KH, KT không ngừng phát triển.
Thực tế trên cho thấy, phong trào KH, KT trên địa bàn Thanh Hóa đã và đang bắt đúng mạch nguồn của cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, sự ra đời của Ngày Khuyến học Việt Nam không chỉ thúc giục hàng triệu hội viên HKH trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh thêm tự tin, hăng hái với những việc làm đầy ý nghĩa của mình, mà còn là lời hiệu triệu để nhân thêm những tấm lòng hảo tâm, những hành động tâm huyết vì tương lai thế hệ trẻ.