Nhân ngày Môi trường thế giới (5/6): Bảo tồn để phát triển bền vững đa dạng sinh học

Ngày Môi trường thế giới năm 2020 được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề: 'Vì một hành tinh xanh và đa dạng sinh học'. Năm 2020 cũng là năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học. Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng cũng không nằm ngoài cam kết và những nỗ lực bảo tồn để phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Theo dõi phân bố động, thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn.

Theo dõi phân bố động, thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn.

Những năm qua, Lào Cai có nhiều hành động và chương trình nhằm tuyên truyền cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, trong đó có công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Vườn Quốc gia Hoàng Liên - Vườn Di sản ASEAN được xem là một kho tàng nguồn gen đa dạng sinh học bậc nhất của Lào Cai, được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cấp cao nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Hiện Vườn Quốc gia Hoàng Liên có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, 555 loài động vật có xương sống trên cạn, là nơi còn sót lại nhiều loại động vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; sự phong phú, đa dạng của các loài phong lan, đỗ quyên, cây dược liệu…Tuy nhiên, thách thức hiện nay mà đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên phải đối mặt là biến đổi khí hậu toàn cầu và sự tác động của cư dân sinh sống trong vùng đệm và vùng lõi, tình trạng buôn bán động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Những năm qua, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã có nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có giải pháp thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, huy động toàn dân tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng núi cao, nguồn gen động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; triển khai hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng, xây dựng và thực hiện các dự án nhân giống, phát triển nguồn gen động vật, thực vật rừng đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm (vân sam Fansipan, thiết sam, các loài cây thuốc tam thất hoang, bảy lá một hoa, các loài cây ăn quả ôn đới bản địa đào, lê, mận Tả Van).

Theo đánh giá của các nhà khoa học, Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng, quyết định tính đa dạng của rừng, giá trị khoa học, cảnh quan môi trường, nguồn lợi kinh tế. Do đó, từ năm 2013 đến nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên luôn chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học. Số lượng, chất lượng các đề tài, dự án, các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học được mở rộng, phát huy, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó có các đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng như khai thác và phát triển nguồn gen tam thất hoang và hoàng liên ô rô làm nguyên liệu sản xuất thuốc; nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển cây đặc sản rừng (đẳng sâm) có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Lào Cai; nhân giống một số loài hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào cung cấp cho các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên; khai thác và phát triển nguồn gen hoàng liên gai làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Ngoài ra, còn tiến hành các mô hình trồng thử nghiệm loài Wasabi, sâm Ngọc Linh…

Trên địa bàn tỉnh, cùng với Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có 2 khu bảo tồn thiên nhiên đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại 2 huyện: Bát Xát, Văn Bàn. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cũng là nơi có nguồn đa dạng sinh học với hệ động vật, thực vật phong phú bao gồm 1.487 loài thực vật và 486 loài động vật. Trong đó có một số loài nguy cấp có trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như bách tán Đài Loan, ô rô bà, hoàng liên gai, vượn đen tuyền…

Nuôi cấy tế bào mô phong lan.

Nuôi cấy tế bào mô phong lan.

Ông Trần Đức Hà, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cho biết: Song hành với công tác bảo vệ rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đồng thời mở rộng quan hệ, kêu gọi thu hút đầu tư của các tổ chức trong nước, quốc tế, triển khai hiệu quả Dự án nghiên cứu bảo tồn loài bách tán Đài Loan. Khu bảo tồn cũng phối hợp với Ban Quản lý dự án KFW8 tỉnh triển khai các hợp phần của dự án; phối hợp với Vụ Bảo tồn thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam áp dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) trong hoạt động tuần tra thuộc Dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam” do GIZ tài trợ. Triển khai dự án GREAT tạo sinh kế và giảm tác động của người dân vào rừng.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang phải đối mặt với những thách thức và cần có giải pháp căn cơ. Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; hạn chế xâm lấn đất rừng canh tác trái phép; bảo tồn đa dạng sinh học; tự nguyện hiến tặng động vật hoang dã. Tập trung nguồn lực xây dựng Vườn Quốc gia Hoàng Liên trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học với các chương trình, đề tài, dự án, hội thảo có khả năng tập hợp lực lượng cán bộ khoa học để giải quyết yêu cầu phát triển bền vững đa dạng sinh học và phục vụ phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Nam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nhan-ngay-moi-truong-the-gioi-56-bao-ton-de-phat-trien-ben-vung-da-dang-sinh-hoc-z5n20200605101929417.htm