Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 Mênh mang tháng Mười
Tháng Mười - tháng của mùa thu bắt đầu ngả sắc để đón mùa Đông có lá vàng rơi, có khí trời se lạnh, khiến người ta cảm thấy thư thái hơn. Tháng Mười là tháng của biết bao kỷ niệm của đất nước, nhưng có lẽ không ai trong chúng ta lại quên 'Ngày Phụ nữ Việt Nam'.
Dưới chế độ phong kiến Việt Nam, một quan niệm cổ hủ và lạc hậu là “trọng nam khinh nữ”. Phụ nữ phải chịu biết bao bất công, thiệt thòi; không có quyền tự quyết cuộc đời mình, cũng như quyền thừa kế tài sản; không được tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Phụ nữ chỉ biết cung cúc với công việc nội trợ, chăm sóc con cái và phục vụ chồng. Thậm chí phụ nữ còn được đưa ra làm trò tiêu khiển cho các bậc đế vương, giàu có.
Ngày đó tôi còn trẻ lắm, chưa tròn 18. Trên đường hành quân ra trận, tôi gặp những chị thanh niên xung phong mồ hôi đầm đìa, khuôn mặt hốc hác mà vẫn tay cuốc, tay xẻng dồn hết sức mình san lấp hố bom để “cho từng chuyến xe anh qua…”. Chị thanh niên xung phong ấy bị thương mất cánh tay phải, đôi mắt đỏ hoe, chắc là do nhiều đêm mất ngủ. Lúc ở dưới hầm, chị đưa tay lên lấy cuốn băng cấp cứu cho một đồng đội, thì đúng lúc mảnh bom Mỹ bay tới... Anh Tưởng “già” thuộc loại cứng rắn nhất Trung đội 4, ấy thế mà đã khóc: “Tao thương thanh niên xung phong quá, chết nhiều lắm, toàn trẻ thôi. Hôm trước ở trạm T, lúc đi tìm rau, tao thấy có trên hai chục ngôi mộ, ghi toàn tên con gái. Sống trong môi trường bom đạn khốc liệt giữa rừng sâu, mưa gió thế này, con gái khổ lắm...”.
Trong một trận đánh, tôi bị thương, phải chuyển ra tuyến sau. Nơi mảnh đất đầy bom đạn cày xới đêm ngày, tôi đã được người mẹ Quảng Bình chăm sóc cho từng thìa cháo. Mẹ bao đêm ngày lăn lộn chăm sóc thương binh mà chẳng hề kêu ca phàn nàn. Mẹ làm như bổn phận của mình. Chuyện cũ, chuyện mới cứ đan xen trong tôi, không theo tuyến tính của thời gian. Người mẹ Sán Dìu khóc rưng rức khi đoàn quân từ biệt bản làng ra trận. Trong những thăng trầm dâu bể, tôi đã thấy trên sách báo, ngoài đời bao phụ nữ mang trái tim vàng bao bọc bởi lớp hình hài giản đơn như dấu phẩy. Và có lúc tôi tự hỏi, nếu bỗng dưng phụ nữ trên trái đất này biến mất, thì vũ trụ sẽ ra sao? Những kỷ niệm về phụ nữ mà tôi gặp trên đường đi chiến đấu, nơi học tập và lao động vẫn hiện hữu trong tôi như một phần cơ thể.
Những người “chân yếu, tay mềm” mà lại có sức mạnh làm cho kẻ thù phải tim đập, chân run. Hai Bà Trưng đã đứng lên dựng cờ, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống Bắc thuộc, đánh đổ quân Đông Hán, mở đầu cho kỷ nguyên chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bà Triệu Thị Trinh, cuồn cuộn trong lòng khí thế một lòng chống giặc: “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bà Nguyễn Thị Tồn dám từ Biên Hòa ra kinh đô Huế đánh ba hồi trống làm kinh động tam cung lục viện để kêu oan cho chồng là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - Rồng vàng ở xứ Đồng Nai. Nguyễn Thị Minh Khai, người cộng sản kiên cường trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, 1940. Anh hùng Võ Thị Sáu, trước quân thù vẫn hiên ngang giữ vững chí khí chiến đấu: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”...
Phụ nữ không chỉ đảm nhận các nhiệm vụ hậu cần mà còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động chiến đấu, góp phần vào chiến thắng kẻ thù. Đó có thể là cô thanh niên xung phong, nữ quân y, nữ thông tin, thậm chí đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, đưa ra quyết định quan trọng. Dù ở bất cứ cương vị nào phụ nữ vẫn luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong ngoại giao quốc tế. Với sự nhạy bén, kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng xây dựng mối quan hệ thúc đẩy hòa bình. “Madame Bình đã làm chấn động Paris và thế giới” - một trong những tiêu đề của báo chí Pháp nhận xét về bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng ấy đã dần kết tinh thành những phẩm chất đạo đức tuyệt vời - tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, tiếp thu cái mới tiến bộ…
Phụ nữ Việt Nam trong nuôi dạy con cái là vô cùng quan trọng, trong cái vô cùng đa dạng. Từ xưa đến nay, người mẹ luôn được xem có vai trò chính trong việc chăm sóc, giáo dục con cái cả về thể chất lẫn tinh thần. Là người thầy đầu tiên truyền dạy cho con mình kiến thức cơ bản, kỹ năng sống, đồng thời cũng là người tạo ra không gian sống ấm áp, hạnh phúc gia đình. Phụ nữ còn tham gia vào các vị trí lãnh đạo, từ cấp thấp đến cao cấp, làm phong phú hơn quá trình hoạch định và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo ngày càng được khẳng định. Phụ nữ không những giỏi trong vai trò lãnh đạo, mà còn có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp xung quanh. Phụ nữ là người có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác, giúp họ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và đối tác, tạo ra môi trường làm việc tích cực và hiệu quả. Phụ nữ được xem là người tốt nhất để đặt vấn đề bình đẳng giới lên hàng đầu, tạo ra một không khí xã hội công bằng, văn minh hơn. Trong quá trình phát triển lịch sử, đã có nhiều phụ nữ được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, kích thích giải pháp phát triển kinh tế, giáo dục bền vững, bảo vệ môi trường và xã hội.
Đêm qua bão về dữ lắm. Phố xá, bản làng ngả nghiêng cây đổ, mái nhà bỗng chốc lìa xa. Đất núi giận gì mà lấp những mái nhà manh mỏng. Con trâu không kịp về chuồng. Con lợn, con gà… cũng bị cuốn trôi giữa cuồng phong biển nước. Người phụ nữ bế đứa con bê bết bùn lầy để cố ngoi lên. Mẹ đớn đau, đứa con bỗng chốc chia lìa khi gốc cây bật rễ, cánh cửa đổ sầm... Tôi ngồi bên lan can thả hồn vào giông bão. Lòng đắng ngắt trước những mất mát mà không hề biết trước. Ngoài kia tiếng người phụ nữ vẫn rao: giấy sắt vụn đồng nát... bán mua đây... Người phụ nữ đi trên “chiếc xe đồng nát” để mua đồng nát về nuôi con mãi tận miền Trung. Năm kia bão tố về quét sạch, đến cái vại sành đựng nước cũng không còn. Người phụ nữ gầy như bức họa cây xương rồng trên sa mạc khô cằn, nhưng vẫn không đầu hàng trước nắng mưa, đói khát...
Đường phố kia sáng nay đẹp lắm. Những đường nét mềm mại, uyển chuyển và duyên dáng, truyền thống và hiện đại. Những họa tiết gợi cảm làm đẹp bao ánh mắt. Đường hôm nay đẹp hơn bởi những sắc màu trên những tấm lụa áo dài, đến kẻ bần cùng cũng không dám lỡ lời thô tục.
Phụ nữ Việt Nam dù ở đâu, trong bộ đồ lao động, cho tới diễn đàn nghệ thuật, thời trang vẫn giữ được những nét đẹp riêng để làm mòn ngòi bút mô tả. Chẳng phải bỗng nhiên mà người ta ví phụ nữ bằng đôi từ “phái đẹp”. Không phải ngẫu nhiên mà cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, Michelle Obama có lời phát biểu về phụ nữ: “Không có giới hạn nào cho phụ nữ. Chúng ta có thể làm bất kỳ mọi thứ và trở thành bất kỳ ai mà ta hằng mong ước”.