Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Phụ nữ tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020' do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An phát động đã lựa chọn được 5 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất.
Phong trào đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế khác nhau nhưng các chị đều sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển.
Hướng đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng
Trong số năm tác giả vừa được Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh trao giải "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020" thì chị Nguyễn Phương Liên là tác giả trẻ tuổi nhất bởi Liên năm nay chỉ mới 28 tuổi. Thế nhưng những việc mà Liên đã làm lại khiến nhiều người cảm phục.
Nói về cơ duyên của mình với công việc sản xuất thực phẩm dinh dưỡng mà mình đang làm, Liên cho biết ban đầu chỉ tự làm tại nhà để phục vụ bản thân vì "sức khỏe yếu". Thế rồi, khi làm ra và vô tình giới thiệu trên trang cá nhân Liên không ngờ lại nhận được sự ủng hộ của bạn bè và người thân. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng rất nhiều, Liên từ một kế toán đang có công việc ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh và chồng của mình đang làm trong ngành xây dựng quyết định về quê, mở xưởng sản xuất.
Qua bốn năm đi vào hoạt động, từ một cơ sở nhỏ chỉ có 2 vợ chồng thì nay Liên đã thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Lolifood và có 10 lao động làm việc thường xuyên. Số sản phẩm của Công ty nay đã phát triển thành 8 mặt hàng cho nhiều đối tượng từ phụ nữ mang thai, người bị bệnh tiểu đường, trẻ ăn dặm, người lớn tuổi... Hiện, trung bình mỗi tháng công ty của Liên tiêu thụ khoảng 6.000 hộp sản phẩm. Đặc biệt, trong khi các cơ sở khác đang chật vật tiêu thụ, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì sản phẩm của Liên thông qua kênh tiêu thụ chính là trang facebook cá nhân vẫn kinh doanh ổn định.
Để có nguồn nguyên liệu sản xuất thường xuyên và xây dựng mô hình khép kín sản xuất "sạch", Liên đã đầu tư 5ha để trồng đậu, vừng tại huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Gặp Liên thời điểm này, dù đang tất bật với những chuyến hàng để đi cứu trợ ở miền Trung nhưng cô vẫn cố gắng lo toan để những đơn hàng của mình kịp về với tay khách hàng.
Nói về thành quả đã đạt được, Liên cũng chia sẻ: Khi quyết định về quê để khởi nghiệp, cá nhân em lường trước rất nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, lợi thế của những người trẻ khởi nghiệp là biết áp dụng công nghệ thông tin và sự phát triển của mạng xã hội để kinh doanh. Vì thế, dù hiện tại công ty của Liên còn khá khiêm tốn nhưng cô vẫn vui bởi vì có thể tự tạo lập kinh doanh được ở quê nhà và tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em cùng xã.
Với mục tiêu mang đến sức khỏe cho người Việt, các sản phẩm của Công ty cổ phần thực dưỡng Lolifood của chị Nguyễn Phương Liên được sản xuất theo quy trình khép kín, áp dụng công nghệ ủ mầm các loại đậu để tối đa giá trị dinh dưỡng, đem đến sản phẩm chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Năm 2019 sản phẩm ngũ cốc siêu lợi sữa Long Liên của Công ty đã đạt 3 sao OCOP trong chương trình mỗi xã 1 sản phẩm được UBND tỉnh Nghệ An cấp. Thông tin dinh dưỡng, mã vạch, địa chỉ web đầy đủ tạo nên tính chuyên nghiệp của sản phẩm. Hiện công ty đang mở rộng liên kết với các trang trại để trồng vùng nguyên liệu sạch đáp ứng được nhu cầu mở rộng và phát triển của công ty.
Phụ nữ luôn luôn đẹp nếu tự biết vượt qua hoàn cảnh
Ý tưởng thành lập "Nhóm liên kết phụ nữ khuyết tật may đo áo dài thời trang" của chị Lưu Thị Hà - Phó chủ tịch Thường trực Hội người khuyết tật, Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tỉnh Nghệ An nhận được sự quan tâm ủng hộ. Không những thế chị Hà còn là một người phụ nữ nghị lực, vượt lên hoàn cảnh để có nhiều cống hiến cho xã hội.
Lúc sinh ra, chị Hà cũng như những đứa trẻ bình thường khác. Đến hai tuổi rưỡi, sau một cơn sốt, chị Hà trở thành một đứa trẻ khuyết tật, liệt nửa người nằm một chỗ. Cuộc đời chị cũng thay đổi từ đó. Đến tuổi đi học, chị bắt đầu ý thức được hoàn cảnh của mình khi thỉnh thoảng lại có bạn bè chọc ghẹo, chị mặc cảm với bản thân mình. Khi lớn lên, lúc biết thích những người khác giới, chị lại tự ti hơn. Thậm chí có những người thích mình thật nhưng mình không dám đón nhận vì sợ rằng có người thương hại mình...Chính bạn bè và gia đình đã là động lực giúp chị vượt qua những ngày khó khăn…
Nghĩ về những ngày đã trải qua, chị Hà lại càng hiểu và thông cảm hơn với chị em khuyết tật bởi hầu hết người khuyết tật đều rụt rè, không dám đi qua đám đông bởi sự khác biệt của mình.
Với hoàn cảnh của chị thì nghề may phù hợp hơn cả. "May mắn cho tôi là tôi được vào Thành phố Hồ Chí Minh học hành bài bản và lập nghiệp đúng vào thời điểm nghề may đang rất phát triển. Vì thế, từ những ngày đầu tiên, dù chỉ mở cửa hiệu trong nhà tôi đã có khách đến và đến rất đông. Sau này, tôi lại được các anh chị em ở Thành phố động viên tham dự cuộc thi thiết kế thời trang và tôi may mắn đoạt giải. Hiện tại, tôi rất vui bởi cơ sở may của mình có thể duy trì công việc thường xuyên và gần một nửa nhân viên trong cơ sở của tôi là những người khuyết tật hoặc kém may mắn", chị Lưu Thị Hà chia sẻ.
Không chỉ nghĩ cho mình, chị Hà còn muốn dùng những nền tảng mình đã có chia sẻ với những phụ nữ kém may mắn để cùng giúp họ khởi nghiệp. Với suy nghĩ, chọn công việc may áo dài là phù hợp với chị em bởi đây là công việc nhẹ nhàng và chủ yếu là làm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ kiên trì. Hiện tại, xu hướng mặc áo dài đang quay trở lại và nó có mặt ở tất cả các sự kiện và dành cho mọi lứa tuổi. Do đó, chị Hà hi vọng nếu dự án "Nhóm liên kết phụ nữ khuyết tật may đo áo dài thời trang" được triển khai tại Trung tâm khuyết tật của tỉnh sẽ tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động, giúp chị em có thể tự trang trải và từng bước thay đổi cuộc sống của mình.
Song song với nghề may, từ nhiều năm trước chị Hà cũng đã mở lớp để dạy cho những người khuyết tật. "Từ bản thân mình và những khó khăn người khuyết tật phải đối mặt hàng ngày tôi đã tổ chức các lớp dạy nghề may miễn phí. Tôi muốn giúp họ có việc làm, xóa bỏ rào cản để bước ra hòa nhập với cộng đồng. Qua nhiều năm, đã có rất nhiều chị em đã về địa phương mở cửa hiệu và đã tự tạo lập cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi nghĩ là mình đã khởi nghiệp và lập nghiệp thành công", chị Lưu Thị Hà hãnh diện nói.
Có thể nói, chị Lưu Thị Hà là người khuyết tật đầu tiên của tỉnh Nghệ An tham gia vào các công tác xã hội và mở các lớp dạy nghề miễn phí. Chính việc tham gia công tác xã hội tạo nên động lực để chị Hà vượt lên mọi rào cản trong cuộc sống.
"Khi bắt đầu công việc với các em tôi vẫn thường nói nghề may rất khó và phải tỉ mỉ từng ly, từng tí. Thế nên, nếu chúng ta không chịu khó, không yêu nghề thì sẽ không làm được. Dù là người khuyết tật thì chúng ta cũng phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình", chị Hà bộc bạch.
Thực tế, người khuyết tật không thua kém những người không khuyết tật nhưng sự cố gắng và sự thành công của họ khó khăn hơn nhiều lần. Tuy mới hoạt động được 3 năm nhưng Hội khuyết tật tỉnh Nghệ An có rất nhiều tấm gương nỗ lực vươn lên, trong đó có nhiều người là phụ nữ. Chị Hà cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì vai trò của người phụ nữ cũng sẽ được khẳng định. Hy vọng với các dự án và các giải pháp mà chị Hà triển khai sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức và sẽ có thêm nhiều chính sách để ưu tiên cho đối tượng đặc biệt này.
"Tôi muốn nói với những chị em yếu thế rằng dù mình kém may mắn nhưng phải cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng, không tự ti mặc cảm. Bởi lẽ đã là người phụ nữ thì phải luôn luôn đẹp và không phải vì một khiếm khuyết nhỏ mà làm mất đi vẻ đẹp của bản thân", chị Lưu Thị Hà nhắn nhủ.