Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ, bàn về sứ mệnh của ngành khoa học thông tin
Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26.4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để 'nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hằng ngày'.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đặt ra thách thức mới cho vấn đề sở hữu trí tuệ
Việt Nam là một trong các quốc gia có cam kết và các chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ (SHTT) sớm nhất được thể hiện thông qua Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Trong bối cảnh đó, vai trò của ngành khoa học thông tin đối với sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng.
Khoa học thông tin (Information Science) là lĩnh vực nghiên cứu việc thu thập, tổ chức, lưu trữ và phân tích thông tin. Khoa học thông tin đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Khi thời đại thông tin phát triển, các cơ quan như UK Intellectual Property Office (IPO) ở Anh và US Patent and Trademark Office (USPTO) ở Mỹ sử dụng các hệ thống quản lý thông tin tiên tiến để xử lý hàng triệu đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu, và bản quyền mỗi năm. Khoa học thông tin giúp xây dựng các cơ sở dữ liệu như PATENTSCOPE (WIPO) hoặc USPTO Patent Full-Text Database, cho phép tra cứu nhanh chóng và chính xác thông tin SHTT trên toàn cầu.
Có thể nói khoa học thông tin không chỉ cải thiện hiệu quả quản lý mà còn tăng cường khả năng truy cập thông tin SHTT, giúp doanh nghiệp nhỏ và cá nhân dễ dàng tiếp cận hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Không những vậy, khoa học thông tin còn giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa giá trị kinh tế từ SHTT thông qua phân tích dữ liệu và chiến lược cấp phép.
Ngày nay, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đặt ra thách thức mới cho SHTT và ngành khoa học thông tin đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu đối với nội dung do AI tạo ra. Tuy nhiên cũng vì vậy, khoa học thông tin với sự trợ giúp từ các công cụ AI và phân tích dữ liệu lại càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn vi phạm SHTT, từ hàng giả đến vi phạm bản quyền trực tuyến.
Tại Việt Nam, khoa học thông tin cung cấp các công cụ và phương pháp để tổ chức, lưu trữ, và truy xuất dữ liệu SHTT, giúp các cơ quan quản lý như Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) vận hành hiệu quả hơn.
Ngay từ khi Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới ra đời năm 2000, Cục Sở hữu trí tuệ chính thức khai trương dự án Hiện đại hóa quản trị sở hữu công nghiệp (MOIPA-Modernization of Industrial Property Administration) với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế - JICA.
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Kể từ khi áp dụng tự động hóa trong quá trình quản trị đơn SHCN, Cục Sở hữu trí tuệ đã gần như chuyển đổi hoàn toàn từ công cụ lao động thủ công, nhiều sai số sang áp dụng phần mềm quản trị tập trung, nâng cao tiến độ, chất lượng và đây cũng chính là nền tảng để Cục Sở hữu trí tuệ bước vào giai đoạn công nghệ 4.0 trong quá trình chuyển đổi số - tiến tới một hệ thống quản trị hiện đại hơn, thân thiện và hữu ích hơn phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.
Hiện nay, các thao tác nghiệp vụ xác lập quyền SHCN tại Cục Sở hữu trí tuệ gần như được tự động hóa hoàn toàn dựa trên một hệ thống máy tính mạnh và cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật kịp thời. Việc sử dụng công nghệ không chỉ khiến cho năng suất và hiệu quả công việc được tăng lên đáng kể mà còn làm cho người thực hiện công việc đỡ vất vả hơn rất nhiều so với những năm 1990”.
Cuối năm 2021, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ chính thức khai trương sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị. Sàn giao dịch cũng tập hợp thông tin về các công nghệ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, triển lãm, xúc tiến giao dịch các sản phẩm nghiên cứu, thiết bị kỹ thuật, qua đó góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đây là nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chuyển giao, tư vấn về mua bán công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Và quan trọng, việc khai trương sàn thể hiện quyết tâm cao của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia trong việc bảo vệ SHTT.
Trong thời đại công nghệ, đặc biệt là thông tin phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cũng phải chuyển mình bước theo thế giới về công nghệ, nhất là lĩnh vực khoa học thông tin. The Financial Times cho rằng UK Intellectual Property Office sử dụng cơ sở dữ liệu như PATENTSCOPE để quản lý SHTT toàn cầu, một mô hình mà Việt Nam đang học hỏi để cải thiện hệ thống quản lý thông tin SHTT.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế - CSIS, các công cụ AI, một nhánh của khoa học thông tin, được sử dụng ở Mỹ để phát hiện nội dung vi phạm bản quyền trên YouTube hoặc GitHub. Việt Nam đang bắt đầu áp dụng các công cụ tương tự, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc và phần mềm.
Có thể nói khoa học thông tin, với trọng tâm là quản lý, phân tích, và khai thác dữ liệu, đang trở thành công cụ quan trọng trong việc bảo vệ SHTT tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, khoa học thông tin đã và đang hỗ trợ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và cá nhân bảo vệ tài sản trí tuệ như bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu, và bí mật thương mại.
Với sứ mệnh đó, khoa học thông tin là thứ không thể thiếu trong hành trang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc để hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế và công nghệ thế giới.