Nhân Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2/4): Nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ
Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn hệ thần kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của não bộ. Nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn cầu, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là 'Ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ'. Tại tỉnh Nam Định, nhiều năm qua, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo lập môi trường giáo dục thích hợp, giúp trẻ em không bỏ lỡ 'giai đoạn vàng' để phát triển, tự tin hòa nhập cuộc sống.

Giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Trường (thành phố Nam Định) dạy trẻ tự kỷ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) được ước tính khoảng 1% dân số toàn cầu, tương đương 1/100 trẻ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc ASD, với tỷ lệ trẻ em mắc ước tính khoảng 1% số trẻ sinh ra. Ở tỉnh Nam Định, đến nay chưa có thống kê toàn diện, nhưng các bác sĩ tâm lý lâm sàng cho biết số trẻ được thăm khám và can thiệp đang tăng dần qua mỗi năm.
Từ thực trạng đó, những năm qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm công tác chăm sóc, hỗ trợ nhóm trẻ em mắc ASD. Ngày 25/2/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Bước sang năm 2025, các nội dung của kế hoạch được các sở, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trên cơ sở đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được chú trọng. Tại các huyện, thành phố, ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ để sàng lọc sớm trẻ có dấu hiệu bất thường ngay từ bậc mầm non, tiểu học. Các chương trình tập huấn được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên nắm vững kỹ năng nhận diện và hỗ trợ trẻ tự kỷ trong môi trường học đường.
Tại Bệnh viện Tâm thần Nam Định, mỗi năm, các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ có biểu hiện kém tương tác, hay cáu gắt hoặc lặp lại lời nói vô thức. Sau khi đánh giá lâm sàng, bệnh viện sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ can thiệp, kết hợp trị liệu hành vi, ngôn ngữ cùng hỗ trợ thuốc nếu cần thiết. Đồng chí Phạm Duy Kiều, quyền Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nam Định cho biết: “Phổ tự kỷ thường thể hiện rõ từ rất sớm, đặc biệt trước ba tuổi, nhưng mỗi trẻ có biểu hiện không giống nhau, có cháu gần như không tương tác bằng mắt, có cháu lại lặp lại lời nói vô nghĩa, hoặc hành vi bất thường kéo dài. Chính vì sự đa dạng trong biểu hiện mà nhiều phụ huynh dễ chủ quan, nhầm lẫn với việc con chỉ chậm phát triển bình thường. Trong thực tế, việc chẩn đoán và can thiệp càng sớm thì hiệu quả càng cao. Nếu trẻ vượt qua "giai đoạn vàng" mà không được phát hiện, hỗ trợ kịp thời thì khả năng hòa nhập xã hội sau này sẽ bị hạn chế rất nhiều”.
Bên cạnh nỗ lực từ ngành y tế, các đơn vị giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong hành trình hỗ trợ trẻ tự kỷ. Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy có nhiệm vụ giảng dạy văn hóa kết hợp phục hồi chức năng, rèn kỹ năng sống và hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khuyết tật. Trong đó, có nhiều em thuộc nhóm ASD hoặc mang đa dạng tật cần hỗ trợ chuyên biệt. Với đặc thù học sinh riêng biệt, mỗi giáo viên trong nhà trường đều phải xây dựng giáo án cá nhân, áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, phù hợp với năng lực tiếp nhận của từng em. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc can thiệp hành vi, phục hồi chức năng và định hướng phát triển phù hợp theo từng đối tượng. Công tác tuyên truyền, vận động trẻ khuyết tật ra lớp cũng được đẩy mạnh thông qua sự phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngay từ đầu năm học, trường tiến hành phân loại dạng tật, lập kế hoạch hỗ trợ cá nhân hóa, theo sát từng thời điểm. Cùng với đó, các hoạt động giáo dục ngoài giờ, vui chơi, sinh hoạt tập thể được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo môi trường thân thiện, giúp các em từng bước hòa nhập cuộc sống.
Thời gian qua, cùng với các trường học, trung tâm chuyên biệt chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Ở thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), Cơ sở Mầm non và hỗ trợ hòa nhập Họa Mi nhận được sự tin tưởng của nhiều phụ huynh. Lớp học duy trì quy mô nhỏ, một giáo viên kèm ít trẻ, bảo đảm mỗi cháu đều nhận được sự quan tâm cần thiết. Mỗi ngày, giáo viên dành nhiều giờ hướng dẫn trẻ phát âm, tập cách bày tỏ nhu cầu, rèn tư thế ngồi học. Sau khoảng 7 năm hoạt động, cơ sở đã tiếp nhận hàng trăm trẻ đến thăm khám và can thiệp. Ở thành phố Nam Định, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Trường từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình có trẻ tự kỷ. Các chuyên gia tâm lý thiết kế chương trình can thiệp cá nhân, giúp trẻ rèn kỹ năng giao tiếp, hành vi, vận động phù hợp. Các bài học được thiết kế dưới dạng trò chơi vận động, xếp hình, nhận biết màu sắc nhằm kích thích trí tưởng tượng. Không khí lớp thân thiện, hạn chế tiếng ồn lớn để trẻ không bị kích động. Theo thời gian, nhiều cháu đã đủ khả năng theo học trường mầm non hoặc tiểu học bình thường. Thành công ấy cho thấy, nếu được đồng hành sát sao, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát huy tiềm năng, hòa nhập với bạn bè.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ sở giáo dục chuyên biệt, sự chung tay của các bậc phụ huynh cũng tạo nên mạng lưới hỗ trợ vững chắc cho trẻ tự kỷ. Nhiều câu lạc bộ (CLB) dành cho gia đình có con mắc chứng tự kỷ đã hình thành và hoạt động sôi nổi, trở thành điểm tựa tinh thần và nơi chia sẻ kinh nghiệm quý báu. Tại các CLB, nhiều người từng hoang mang giờ trở nên vững vàng, hiểu rõ đặc điểm của con mình và quyết tâm không bỏ qua “giai đoạn vàng” can thiệp. Họ chia sẻ cách chơi cùng con, khuyến khích con tham gia việc nhà, làm đồ thủ công để rèn khả năng khéo léo. Có những bậc cha mẹ cùng nhau lập nhóm đưa con đi học, đi dã ngoại, giúp trẻ tự tin tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Trong hành trình nâng cao nhận thức và đồng hành cùng trẻ tự kỷ, tỉnh Nam Định đã từng bước xây dựng được mạng lưới hỗ trợ đồng bộ và ngày càng hiệu quả. Từ định hướng chính sách của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, đến những nỗ lực thầm lặng nhưng bền bỉ của các cơ sở chuyên biệt, trung tâm can thiệp và các CLB phụ huynh. Để mỗi trẻ tự kỷ có thể phát triển đúng tiềm năng và sống hạnh phúc trong cộng đồng, cần sự tiếp nối của tình yêu thương, sự kiên trì và trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu và chấp nhận, để mỗi em nhỏ đều có cơ hội phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau.