Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3): Nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh lao
Chương trình chống lao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt cao. Công tác điều trị thực hiện hiệu quả, hàng năm đã phát hiện và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân với tỷ lệ khỏi đạt 92%.
Phẫu thuật nội soi lồng ngực cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.
Trong 10 năm qua, theo nghiên cứu điều tra toàn quốc và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, đến nay chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ Trung ương đến địa phương.
Tại Thanh Hóa, để thực hiện mục tiêu tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân, những năm qua ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc kiểm soát, ngăn chặn, khống chế bệnh lao. Chương trình chống lao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt cao. Công tác điều trị thực hiện hiệu quả, hàng năm đã phát hiện và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân với tỷ lệ khỏi đạt 92%. Việc giám sát bệnh nhân lao kháng đa thuốc, bệnh nhân lao/HIV được quản lý và giám sát chặt chẽ, đúng quy định, số lượng người bệnh lao được phát hiện tăng, bảo đảm bệnh nhân được thu nhận điều trị kịp thời ngay sau khi phát hiện và đạt tỷ lệ điều trị thành công cao. Mạng lưới chống lao được củng cố từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phủ khắp 27 huyện, thị xã, thành phố và 100% số xã; ngoài ra còn có 5 tổ chống lao tại 4 trại giam trên địa bàn: Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Cẩm, Trại 5 và Trung tâm Cai nghiện số 1. Tại các tổ chống lao sẽ khám phát hiện các đối tượng nghi lao đến khám, nếu có bệnh sẽ đưa vào thu dung điều trị; ngoài ra còn khám phát hiện chủ động xuống các xã để khám cho người dân. Hàng quý, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa có các tổ chỉ đạo tuyến xuống giám sát và hỗ trợ cho tất cả các tổ chống lao; tổ chức tập huấn, đào tạo, đào tạo lại cho các cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện để nâng cao trình độ chuyên môn.
Song song với các hoạt động tại cộng đồng, thời gian qua, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã chú trọng đào tạo, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu về phát hiện và điều trị bệnh lao, bệnh phổi. Nhờ đó đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị được an toàn, kết quả nhanh và chính xác hơn trước đây, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại tỉnh nhà, rút ngắn thời gian chờ đợi và tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa...
Cán bộ Trạm y tế xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) tư vấn về bệnh lao và cách phòng tránh cho người dân.
Bên cạnh việc khám và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa còn đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh lao từ tỉnh xuống các huyện, thị xã, thành phố, các thôn, bản; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông qua đó đã giúp cho người dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra, người dân được các bác sĩ tư vấn, cung cấp kiến thức về cách nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, đồng thời góp phần thực hiện tốt mục tiêu loại trừ bệnh lao trong thời gian tới.
Tuy vậy, hoạt động chống lao trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn, đó là việc quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV và việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn; nguy cơ phát sinh nguồn lây trong cộng đồng vẫn chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu; nhiều người còn ngần ngại đến cơ sở y tế khám, đến khi được phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng..., do đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống lao tại cộng đồng.
Để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3-2020 với chủ đề: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, ngành y tế yêu cầu các đơn vị triển khai tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên của đơn vị tích cực tham gia truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3-2020. Các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng y tế và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương thực hiện truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao trên địa bàn: Xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng, treo dán áp phích và cấp phát tờ rơi, tờ gấp; tổ chức phát thanh nội dung tuyên truyền về bệnh lao trên loa phát thanh; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh lao hơn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân; đẩy mạnh hoạt động chống lao các tuyến để tăng cường phát hiện người bệnh lao. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở các tuyến về công tác chẩn đoán và điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cộng đồng; tìm kiếm, huy động các nguồn lực viện trợ của các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng vào hoạt động phòng chống lao. Đồng thời kêu gọi sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của các sở, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng trên tất cả các lĩnh vực phòng, chống bệnh lao. Người mắc bệnh lao cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa; hiểu biết của mỗi người về bệnh lao trong cộng đồng cần được nâng cao hơn nữa để góp phần xóa bỏ mặc cảm và kỳ thị xã hội đối với bệnh nhân lao.