Nhân ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4): Hiến máu cứu người – nghĩa cử cao đẹp
Đó là thông điệp ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) các cấp gửi đến toàn xã hội nhằm kêu gọi Nhân dân hãy tham gia HMTN để trao thêm hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân cần máu điều trị. Bởi thực tế hiện nay, các cơ sở y tế thường rơi vào tình trạng thiếu máu điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân vẫn phải chờ máu hoặc chủ động tìm máu để điều trị, cấp cứu. Do máu và các chế phẩm từ máu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào lượng máu do con người hiến tặng mà không một loại thuốc hay chế phẩm nào có thể thay thế.
Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện.
Nhận thức được tầm quan trọng của HMTN, ngày 7-4-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động và khuyến khích Nhân dân HMTN. Đồng thời, lấy ngày 7-4 hàng năm là Ngày toàn dân HMTN. Đây là dịp để ban vận động HMTN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người.
Để nâng cao chất lượng công tác vận động HMTN, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh cũng như các ban chỉ đạo ở địa phương đã có nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú; tổ chức nhiều chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu nhằm thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Nhiều sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ, Giọt hồng blouse trắng được tổ chức trên diện rộng, với nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, qua đó đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngày hội HMTN tại các địa phương được tổ chức linh hoạt, trong nhiều ngày, nhiều đợt, tăng thời gian, cơ hội cho người dân tham gia hiến máu.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) về hiến máu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và trong cộng đồng như: CLB ngân hàng máu sống tại huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức; CLB tuyên truyền, vận động HMTN tỉnh. Các CLB đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Qua đó, thay đổi nhận thức và hành động của người dân về HMTN. Nhiều người dân đã tích cực tham gia hoặc tham gia hiến máu nhiều lần và vận động gia đình, bạn bè cùng tham gia hiến máu. Chị Lê Thị Mai, 25 tuổi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Với tôi, hiến máu là một việc làm ý nghĩa. Từ khi biết về vai trò quan trọng của máu đối với người bệnh tôi đã tham gia hiến máu. Mỗi năm tôi hiến từ 2 - 3 lần. Ngoài việc chủ động hiến máu, tôi luôn vận động bạn bè, người thân tham gia HMTN. Bởi, từng giờ trôi qua đều có người bệnh cần máu để cấp cứu và điều trị bệnh. Trong khi đó, hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến máu”.
Nhờ những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, công tác HMTN trên địa bàn tỉnh ngày càng được thay đổi cả chất và lượng, trở thành một phong trào giàu ý nghĩa nhân văn, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tiếp nhận trên 40.000 đơn vị máu; năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 44.228 đơn vị máu (tăng 3.103 đơn vị máu so với năm 2021).
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Xuân Hảo, cho biết: Nếu như trước đây, lực lượng HMTN chủ yếu là sinh viên và cán bộ ngành y tế thì những năm gần đây đông đảo người dân từ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến công nhân hay những người lao động tự do đã tích cực tham gia HMTN. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh trong công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện công tác HMTN; sự tích cực phối hợp trong tuyên truyền, vận động của Ban Chỉ đạo vận động HMTN, các cấp hội chữ thập đỏ, địa phương và các hội đoàn thể.
Để bảo đảm lượng máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế thì phong trào HMTN cần tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế ban hành các văn bản, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động HMTN bảo đảm máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị. Ban chỉ đạo vận động HMTN các cấp, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác HMTN, đưa hiến máu vào các nội dung, nhiệm vụ, chương trình hành động của năm của các khu dân cư, cơ quan, đơn vị; cân đối kinh phí cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào của các huyện, thị xã, thành phố để nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức HMTN phù hợp, đảm bảo an toàn hiến máu...