Nhàn Phi trong lịch sử có thực là nhân vật độc ác?
Từ một phi tần hiền lành, Nhàn Phi bỗng trở thành một trong những nữ nhân độc ác nhất Diên Hi Công Lược và dần tiến lên đến ngôi vị cao quý nhất.
Sức hút của Diên Hi Công Lược không chỉ nhờ chủ đề cung đấu ăn khách mà còn đến từ sự góp mặt những ngôi sao tên tuổi: Nhiếp Viễn, Tần Lam, Xa Thi Mạn... Đặc biệt là mỹ nhân TVB Xa Thi Mạn, người đã từng làm nên tên tuổi nhờ những bộ phim cung đấu như Cung Tâm Kế và Thâm Cung Nội Chiến.
Trở lại với màn ảnh nói chung và một tác phẩm cung đấu chất lượng như thế này, chỉ với 8 tập phim, khán giả yêu mến Xa Thi Mạn ngày càng thích thú khi qua từng tập, người xem dần bóc từng lớp tính cách của nhân vật Nhàn Phi, chờ ngày chị... hết rảnh như đã thông báo đến quý khán giả và giương cờ khiêu chiến, tạo nên sóng gió đằng sau chốn cung triều như những gì lịch sử Trung Quốc đã từng ghi ghép được.
Là phi tần được Càn Long sủng ái lâu nhất
Theo sử sách Trung Quốc lưu lại, Nhàn Phi tên thật là Ô Lạp Na Lạp Thị. Bà được biết đến là Hoàng Hậu duy nhất không có thụy hiệu, điều này minh chứng cho việc bà đã bị Hoàng Đế Càn Long thất sủng. Nhàn Phi là con gái Tá lĩnh Na Nhĩ Bố thuộc dòng dõi cao quý. Ban đầu, nàng được chỉ định làm Trắc phúc tấn cho Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (tức Càn Long lúc chưa lên ngôi). Đến năm Càn Long thứ 2, nàng tiếp tục được phong làm Nhàn Phi của Hoàng Đế. Hành trình cuộc sống sau này đều là những bước tiến dần dần đến những vị trí cao trong hậu cung.
Năm Càn Long thứ 10, Nhàn phi Na Lạp Thị tiến thêm một bước trở thành Nhàn Quý Phi. Lúc này, Cao Quý Phi đã qua đời nên địa vị của nàng gần như cao nhất hậu cung vua Càn Long, chỉ xếp sau Phú Sát Hoàng Hậu. Sau khi Phú Sát Hoàng Hậu qua đời, được sự sủng ái hết mực của đấng quân vương, việc trở thành Kế Hoàng Hậu của nàng cũng là điều sớm muộn. Có lẽ nàng là một trong những phi tần nhận được sự sủng ái lâu dài nhất.
Những cũng là Hoàng hậu đáng thương nhất lịch sử Thanh Triều
Cho đến năm Càn Long thứ 30, nhà vua vẫn còn đưa nàng cùng đi vi hành xuống Giang Nam, tổ chức cho Kế Hoàng Hậu tiệc sinh nhật linh đình. Tuy nhiên, điều không ai có thể ngờ được chính là sau chuyến đi định mệnh đó, bà từ ngôi vị cao nhất hậu cung bỗng bị Càn Long ghẻ lạnh. Thậm chí đến khi Nhàn Phi qua đời, nhà vua cũng không hề mảy may thương tiếc, chỉ lạnh lùng an táng một cách sơ sài cho có lệ và cũng không truy phong cho bà thụy hiệu. Điều này đến nay vẫn luôn là một uẩn khúc lớn trong lịch sử Đại Thanh và được đánh giá là Hoàng Hậu đáng thương nhất trong lịch sử Thanh Triều.
Một trái tim thuần khiết bỗng một ngày bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực
Trong Diên Hi Công Lược, Nhàn Phi đương nhiên cũng sẽ thành Kế Hoàng Hậu trong tương lai. Nhưng đằng sau quyền lực và địa vị đó, nàng đã phải trả giá bằng việc dần dần đánh mất bản chất lương thiện vốn có của mình. Cũng như nhiều tú nữ khác, Nhàn Phi vào cung với một trái tim đơn thuần nhất. Nàng không màng tranh đấu, chỉ toàn tâm toàn ý giành tình yêu cho vua Càn Long.
Đang là một nữ nhân dưới vài người - trên vạn người, ung dung tự tại, cuộc đời Nhàn Phi bắt đầu xuất hiện ngã rẽ. Dù là một người xem chuyện đấu đá đoạt vị là một chuyện vô bổ, nực cười, ngạch nương mẹ nàng lại rất ham hư vinh, muốn đường công danh của người trong nhà có thể lên như diều gặp gió nên đã tìm cách lo lót cho em trai nàng làm quan. Cũng trong thời điểm đó, cha Nhàn Phi cũng bị giam vào đại lao vì tội nhận hối lộ. Cuối cùng, người nhà vì quá đau khổ mà dần qua đời, nàng may mắn được sự giúp đỡ của Phú Sát Hoàng Hậu mà có thể yên bình sống tiếp.
Nhưng tất cả những điều đó vẫn chỉ là khởi đầu, Nhàn Phi không còn như xưa nữa, nàng quyết định lên kế hoạch trả thù tất cả những kẻ đã đẩy nàng vào đường cùng, chẳng hạn như Cao Quý Phi. Kể từ đây, sóng gió phía sau bức tường Tử Cấm Thành bắt đầu nổi lên. Bên cạnh con đường chông gai của Ngụy Anh Lạc nhiều chông gai để trở thành Lệnh Phi, hãy để mắt đến Nhàn Phi, một tờ giấy trắng bị tha hóa trong Diên Hi Công Lược.