Nhân rộng các cơ sở năng lượng xanh
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với những đòi hỏi chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp sản xuất, tòa nhà, phân xưởng... đang nỗ lực áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng xanh. Xu hướng này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Do đặc thù nhà xưởng rộng với hệ thống chiếu sáng, máy may, máy là hơi lớn cho nên ngành dệt may sử dụng rất nhiều năng lượng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm tới việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Công ty TNHH Thời trang Star (huyện Chương Mỹ) hằng năm tiêu thụ khoảng 9,3 triệu kWh.
Trong đó có 1,3 triệu kWh sử dụng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà tại nhà máy và khoảng 8 triệu kWh mua từ mạng lưới điện quốc gia. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công ty đã lắp đặt các tấm quang điện mặt trời tại Phân xưởng 1 và Phân xưởng 3, giúp công ty tiết kiệm được 4,14 tỷ đồng/năm, giảm phát thải 1.083 tấn CO2/năm.
Ngoài ra, công ty còn lắp đặt biến tần điều khiển cho các máy nén khí có công suất lớn, máy sấy khí, hệ thống điều hòa không khí trung tâm... giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng. 400 động cơ bình thường của máy may cũng được thay thành động cơ servo tiết kiệm điện...
Đại diện công ty cho biết, bên cạnh các giải pháp về đầu tư chi phí, công ty còn thực hiện rất nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động như hằng năm đào tạo cho người lao động về ý thức tiết kiệm điện, đội bảo trì đi tuần tra hằng ngày để tìm ra các điểm rò rỉ và kịp thời khắc phục... Năm 2024, Công ty TNHH Thời trang Star đã đạt danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh thành phố Hà Nội với mức 5 sao.
Cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong máy móc sản xuất, các đơn vị còn áp dụng nhiều giải pháp cho các tòa nhà. Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần LUMI Việt Nam Trần Văn Tiến cho biết, hiện tại các giải pháp nhà thông minh đang được các tòa nhà, công xưởng và cả chủ căn hộ, nhà riêng quan tâm. Trong đó, giải pháp này giúp hẹn giờ, thiết lập các thiết bị, cảm biến chuyển động bật, tắt đèn..., góp phần giúp tiết kiệm điện khi không sử dụng.
Năm 2024, thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới quy trình vận hành sản xuất, đầu tư trang thiết bị công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thành phố đã hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng cho 72 cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 26 cơ sở; phát triển, công nhận 83 mô hình sử dụng năng lượng xanh thành phố với hàng nghìn giải pháp kỹ thuật tiêu biểu...
Các giải pháp này đang được doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới quy trình vận hành sản xuất, đầu tư trang thiết bị công nghệ nhằm giảm chi phí về năng lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 143,1 kTOE, đạt 1,74% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Bên cạnh đó, phát triển mô hình Cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.
Năm 2024, Chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh thành phố Hà Nội đã thu hút 120 đơn vị tham gia. Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao...
Trong 83 cơ sở đạt số điểm đánh giá cao nhất, có 16 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng trọng điểm đã triển khai thực hiện 120 giải pháp, tiết kiệm được 8.350 TOE, tương đương tiết kiệm 102,3 tỷ đồng trong vòng đời dự án 3 năm. Kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả trong 5 năm tới, 16 cơ sở này sẽ tiết kiệm 13.916 TOE, tương đương với 170,5 tỷ đồng.
Đơn cử, các đơn vị như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty Panasonic Việt Nam, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống, Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long, Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City... đã triển khai mô hình sử dụng pin năng lượng mặt trời. Tòa nhà Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Khách sạn Melia Hà Nội... thì sử dụng giải pháp phần mềm BMS giám sát, điều khiển các trang thiết bị điện, điều hòa không khí, chiếu sáng, bơm, quạt...
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Thắng cho biết, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chương trình quốc gia để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở áp dụng các biện pháp tiên tiến để sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập kinh tế, góp phần giúp kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-rong-cac-co-so-nang-luong-xanh-post850148.html