Nhân rộng các mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Để từng bước hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các cấp, các ngành tại Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp.
Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 978.334 ha. Dân số toàn tỉnh hơn 1,2 triệu người, trong đó đồng bào DTTS là 333.561 người (chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh); Trên địa bàn có 3 DTTS tại chỗ gồm: Cơ Ho, Mạ, Churu.
Qua kết quả điều tra, khảo sát chưa đầy đủ của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số người kết hôn và 30 cặp hôn nhân cận huyết thống chiếm tỷ lệ 0,1% so với tổng số kết hôn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực; là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025", giai đoạn I năm 2015 – 2020, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn và cấp phát tài liệu tuyên truyền về: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, các luận cứ khoa học nói về hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Cụ thể, đã in ấn và cấp phát 81.000 tờ rơi, 1.120 sổ tay tuyên truyền; lắp đặt 29 pano tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại trung tâm 25 xã có nguy cơ tỷ lệ tảo hôn, nhân cận huyết thống cao; Tổ chức các hoạt động truyền thông với 1.960 cuộc/66.164 lượt cán bộ, nhân dân tham dự; hoạt động tư vấn cũng được quan tâm thực hiện với 1.645 cuộc/17.152 người dân được tư vấn. Tổ chức 125 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức với 7.548 lượt người tham gia…
Ngoài các hoạt động chủ đạo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, UBND các huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Dân tộc hoặc cơ quan phụ trách công tác dân tộc phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng Y tế, … tổ chức lồng ghép với các chương trình tuyên truyền, vận động khác để cùng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ phong tục tập quán không còn phù hợp trong đời sống hiện nay, trong đó có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cũng chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức khảo sát, xây dựng các mô hình điểm "Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Thông qua các mô hình điểm đã tư vấn, tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức người dân, nhất là vị thành niên DTTS và học sinh trong các trường dân tộc nội trú về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đồng thời mỗi học sinh, mỗi giáo viên là một tuyên truyền viên.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ trong Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn II năm 2021 – 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức; Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS.
Ngoài ra, duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo đảm các số liệu được cập nhật thường xuyên theo định kỳ 6 tháng, 1 năm, trong đó tách biệt theo giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, trình độ học vấn và những yếu tố cơ bản khác.
Tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án tại địa bàn các huyện, thành phố./.