Nhân rộng các mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường
Nhằm góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp - văn minh, Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi viết có chủ đề: 'Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình'. Báo Lao động Thủ đô xin trân trọng đăng sáng kiến của ông Bùi Văn Thanh – Công đoàn Cơ quan Hội Nông dân thành phố Hà Nội liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của đất nước, với trên 8 triệu dân sinh sống và làm việc. Thủ đô có mật độ dân số đông, nhiều cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ lớn nên vấn đề về rác thải, nước thải, khói bụi… gây ảnh hưởng rất đến môi trường và cảnh quan của Thủ đô.
Hiện nay, hầu hết các sông hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố chưa qua xử lý đang xả thẳng ra sông, hồ, ao, mương…
Số liệu từ Viện Y học Lao động và vệ sinh môi trường cho thấy, vào những giờ cao điểm, Hà Nội có nồng độ bụi cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, CO cao gấp 2,5-4,4 lần, hơi xăng từ 12,1-2.000 lần. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi hiện nay trên địa bàn thành phố đang ở mức "báo động đỏ" bởi nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần.
Trung bình tổng lượng chất thải rắn ở thành phố Hà Nội khoảng 5.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 3.500 tấn chất thải sinh hoạt ở đô thị và 1.500 tấn ở nông thôn. Hà Nội đang phải gánh chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường do sự gia tăng đột biến về khối lượng và thành phần các loại chất thải rắn.
Vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội hiện nay rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Để làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng một Thủ đô xanh - sạch - đẹp thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn ưu tiên triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp” phát động từ năm 2014, đây là một trong những cách làm hay, từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa tích cực. Tuy nhiên cuộc thi này được triển khai trên quy mô còn hạn chế và các cuộc thi thường mang tính thời điểm, giai đoạn chưa phát huy hết được mục tiêu, ý nghĩa đó. Do đó, chúng ta cần tổ chức phát động Cuộc vận động “Toàn dân tham gia đảm bảo vệ sinh, môi trường xây dựng Thủ đô xanh- sạch- đẹp” trên địa bàn Thành phố không chỉ ở khu vực thành thị mà cả khu vực nông thôn để thu hút toàn thể, cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Để thực hiện tốt cuộc vận động cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia Cuộc vận động.
Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường với nhiều hình thức phong phú như: qua hệ thống loa phát thanh, qua các buổi sinh hoạt chi tổ Hội tại khu dân cư, pano, áp phích… Nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của việc ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác, phân loại rác thải sinh hoạt, không tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường… Chính quyền các địa phương nghiên cứu bố trí điểm tập kết rác, điểm cho phép quảng cáo rao vặt miễn phí để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.
Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình khu phố tự quản, đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường, các mô hình thu gom rác thải trên địa bàn cụm dân cư.
Triển khai Cuộc vận động gắn với các tiêu chí này với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc bình chọn Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa… giúp các gia đình, cộng đồng dân cư nhận thấy phần trách nhiệm và quyền lợi của mình.
Nâng cao sự phối hợp giữa chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ở cơ sở cùng bàn, cùng làm, cùng kiểm tra trong thực hiện phong trào. Qua đó tạo thành nguồn lực để cả cộng đồng chung sức đồng lòng, chung tay xây dựng phong trào lớn mạnh.
Huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân đóp góp vào công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các địa phương. Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo, cách làm hay trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.
Các cấp chính quyền tổ chức tổng kết, sơ kết công tác thực hiện Cuộc vận động, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực công tác tham gia đảm bảo vệ sinh, môi trường.
Trong nhưng năm qua, các cấp Hội Nông dân Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn như: mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, đoạn đường tự quản bảo vệ môi trường, mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn xử lí rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”, mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần…
Một trong những sáng kiến hay đó là xây dựng mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu gây Quỹ ủng hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn” trên địa bàn xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên đã được thành lập.
Mô hình được thành lập với mục đích: thu gom phế liệu tái chế, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp và tận dụng nguồn phế liệu trong khu dân cư, thu gom, bán gây quỹ để hỗ trợ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đây là ý tưởng của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã đã tạo động lực và thu hút cán bộ hội viên tham gia hưởng ứng mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực.
Mô hình “Ngôi nhà thu gom phế liệu gây Quỹ ủng hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn” xã Phú Yên đã ra đời được thiết kế như một ngôi nhà nhỏ có gắn biển đặt ở trung tâm khu dân cư trong xã, từ đó phế liệu đã được người dân, cán bộ hội viên nông dân xã Phú Yên thu gom và tập kết về đây. Sau từ 2 đến 3 ngày cán bộ Hội Nông dân xã đến phân loại phế liệu bán cho đại lý thu gom, có ngày số tiền thu được trên một triệu đồng, toàn bộ số tiền thu được Hội Nông dân xã quản lý để hỗ trợ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Từ kết quả đó không còn tình trạng vứt rác thải, phế liệu ra nơi công cộng ảnh hưởng đến môi trường.
Đây là những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp Hội Nông dân Thành phố, cần được nhân rộng nhằm góp phần cải thiện môi trường trên địa bàn nông thôn nói riêng và toàn Thành phố nói chung.
Để tổ chức và phát huy có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân tham gia đảm bảo vệ sinh, môi trường xây dựng Thủ đô xanh- sạch- đẹp” cần sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp Chính quyền từ Thành phố đến cơ sở và sự đồng lòng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện Cuộc vận động góp phần xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại xứng đáng là Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình.
* Tít do báo Lao động Thủ đô đặt!