Nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả
Xác định hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình thiết thực, động viên, khuyến khích chị em vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống, đồng thời khẳng định vai trò 'bà đỡ' của tổ chức Hội.
Trước thực trạng các loại nước uống và mỹ phẩm sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe ngày càng được bày bán phổ biến, chị Đỗ Thị Gấm, xã Hải Tây (Hải Hậu) đã quyết định sản xuất các loại trà, mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu là các cây dược liệu sạch. Để “hiện thực hóa” ý tưởng, năm 2008, chị Gấm chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác của gia đình sang trồng cây dược liệu. Tháng 4/2024, chị liên kết với một số hộ trong xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dược liệu sinh thái Ngọc Trà, chuyên sản xuất các loại trà cho bệnh nhân tiểu đường, mất ngủ, các loại dầu gội đầu, sữa tắm. HTX của chị Gấm thu hút 12 thành viên, trong đó 8 thành viên nữ. Hiện HTX trồng 60 loại cây dược liệu, chủ yếu gồm: kim ngân, dây thìa canh, sài đất, bạc hà, kinh giới… Quá trình trồng, các thành viên HTX áp dụng phương pháp tuần hoàn sinh học, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, chị Gấm còn đầu tư xây dựng nhà kính để phơi, sấy dược liệu. Quy trình sản xuất sử dụng nhà kính, trực tiếp sử dụng năng lượng mặt trời giúp lưu giữ được chất dinh dưỡng trong nguyên liệu, đồng thời hạn chế tối đa nguồn khí thải. Sau hơn 6 tháng hoạt động, HTX hiện đã có lãi để tái đầu tư. Hiện HTX có hơn 2ha đất trồng dược liệu, 200m2 nhà sấy, 200m2 kho chứa dược liệu, các máy đóng trà túi lọc, sao trà, máy thái, máy nghiền, nồi nấu cao dược liệu, nồi chưng cất tinh dầu; tạo việc làm cho 18 lao động thường xuyên và 21 lao động thời vụ, mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Hàng tháng, HTX cung cấp ra thị trường 6 tạ dược liệu, 1 tạ trà thảo mộc. 9 sản phẩm trà thảo dược của HTX được đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng). Trong đó, sản phẩm “Thanh Tâm uyển” và “Tĩnh tâm trà” được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Chị Gấm đang đăng ký xây dựng thêm 3 sản phẩm OCOP.
Hội Nữ doanh nhân tỉnh được thành lập tháng 7/2024 trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ (CLB) doanh nhân nữ các cấp trong tỉnh. Sau hơn 4 tháng hoạt động, số lượng hội viên của Hội đã tăng lên gần 200 người. Chị Trần Thị Tùng Hương, Chủ nhiệm Hội Nữ doanh nhân tỉnh cho biết: “Hội là “sân chơi” để các chị em hoạt động trong nhiều ngành nghề như: thương mại, dịch vụ, may mặc… chia sẻ thông tin hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý. Tham gia Hội còn giúp thành viên hợp tác kinh doanh, ưu tiên sử dụng sản phẩm và kết nối chéo khách hàng cho nhau. Từ đó, xây dựng mạng lưới khách hàng cho thành viên, tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp nhau cùng phát triển và xây dựng Hội”. Để Hội Nữ doanh nhân tỉnh hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm cũng đã kiện toàn tổ chức với 7 ban chuyên môn và các CLB nữ doanh nhân cấp huyện; duy trì sinh hoạt định kỳ, tập trung vào các nội dung: tuyên truyền chính sách, pháp luật và những quy định liên quan đến thuế, vay vốn tín dụng, hoạt động của doanh nghiệp và Hội; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh; đề ra hoạt động hỗ trợ doanh nhân nữ về chính sách đối với hoạt động của doanh nghiệp. Trung bình hàng năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do các nữ doanh nhân Hội làm chủ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên, tạo việc làm và thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài hỗ trợ, kết nối hội viên phát triển kinh tế, Hội Nữ doanh nhân tỉnh còn duy trì nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa. Hội đang nhận đỡ đầu 50 trẻ em mồ côi, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng. Chung tay cùng các cấp Hội Phụ nữ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), Hội đã vận động được gần 2 tỷ đồng thăm, tặng quà cho các địa phương, gia đình hội viên phụ nữ bị ảnh hưởng.
Hỗ trợ hội viên phụ nữ trong tỉnh phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngành chức năng thành lập các CLB phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, CLB nữ doanh nhân, các mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất như: tư vấn, hỗ trợ và thành lập HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang, xã Xuân Thượng (Xuân Trường); Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa ở các xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định), Điền Xá (Nam Trực); “Tổ phụ nữ sản xuất lúa chất lượng cao” ở xã Giao Hà (Giao Thủy), gồm 30 thành viên, liên kết trồng lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn theo phương thức “3 cùng”, góp phần thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thí điểm của huyện Giao Thủy; Tổ phụ nữ liên kết thêu ren, đan lát, đan ró cói ở các huyện Ý Yên, Xuân Trường… Trong năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn hỗ trợ thành lập 6 HTX do phụ nữ quản lý gồm: HTX Nông nghiệp Green Foods Bình Minh, phường Hưng Lộc (thành phố Nam Định); HTX Kinh doanh dịch vụ Hà Hoàng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định); HTX Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Long Hoa, xã Đại An (Vụ Bản); HTX Sản xuất Nông dược và Dịch vụ Thương mại SuNam, xã Trực Tuấn (Trực Ninh); HTX Nông nghiệp sạch Ý Sử, xã Nghĩa An (Nam Trực); HTX Sông Hồng KoiFarm, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định). Hiện, 9/9 huyện, thành phố đều thành lập các CLB Nữ doanh nhân. Cùng với việc thành lập các CLB Nữ doanh nhân, HTX, các cấp Hội còn mở các lớp tập huấn hỗ trợ, nâng cao năng lực phát triển kinh tế tập thể, HTX, phát triển sản phẩm OCOP cho 2.423 cán bộ, hội viên, phụ nữ, thành viên HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh; phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 2.299 học viên nữ, trong đó 1.967 lao động nữ có việc làm, gắn với các mô hình tạo việc làm sau đào tạo…
Từ các hoạt động hỗ trợ, đồng hành giúp hội viên phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ các cấp đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi là chủ các doanh nghiệp, HTX, tổ liên kết, mô hình sản xuất, kinh doanh… tiêu biểu được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương như các chị: Lê Thị Mai, Chủ nhiệm HTX May mặc tình thương và Hướng nghiệp Thiên Ân, xã Hải Đông (Hải Hậu); Trần Thị Bình, giám đốc Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định (thành phố Nam Định); Doãn Thị Thoa, Chủ nhiệm HTX Khang Tường (Giao Thủy); Bùi Thị Thúy Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm nông sản Green (Vụ Bản); Bùi Thị Mơ, Giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh thực phẩm Đông Nam Á, thôn Bồi Tây, xã Mỹ Phúc (thành phố Nam Định); Hoàng Thị Oanh, chủ cơ sở đan ró cói, xã Trà Lũ (Xuân Trường); Phạm Thị Hoa, Chủ nhiệm HTX Hoa, cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định)…
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN các cấp đã khẳng định vai trò “bà đỡ”, giúp phụ nữ phát huy khả năng, tự tin làm chủ các mô hình sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.