Nhân rộng các mô hình học tập ở Thủ đô: Nền tảng xây dựng xã hội học tập
Việc đẩy mạnh các mô hình học tập được xác định là nền tảng xây dựng xã hội học tập, đưa Hà Nội sớm gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: HKH
Tọa đàm về việc xây dựng các mô hình học tập, biểu dương gương cán bộ khuyến học tiêu biểu nhiệm kỳ 2020-2025 do Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức ngày 16-5 ghi nhận nhiều chia sẻ tâm huyết của các hội viên.
Tỷ lệ các mô hình học tập tăng
Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) nhằm nhân rộng kinh nghiệm hay, biểu dương cán bộ khuyến học noi gương Bác về học tập suốt đời.

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh. Ảnh: HKH
Khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ và được giao cụ thể cho hội khuyến học các cấp triển khai. Phong trào xây dựng các mô hình học tập luôn được các cấp Hội Khuyến học thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt để thực hiện xây dựng xã hội học tập. Kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp cũng như các tiêu chí cụ thể của từng mô hình học tập (Công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập…) được các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc tự học, học tập thường xuyên.
Trong 5 năm (2020-2025), Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm về xây dựng các mô hình học tập, thu hút hơn 11.000 đại biểu tham gia. Hội cũng phát triển đa dạng hóa các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, trong đó có việc trao học bổng “Học không bao giờ cùng” thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Để phát triển phong trào khuyến học, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội cũng đã ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể về công tác khuyến học, đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập, tạo thành phong trào thi đua học tập suốt đời trong mỗi đơn vị.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: HKH
Kết quả xây dựng các mô hình học tập trong 5 năm qua có chuyển biến rõ, hầu hết các mô hình học tập đều tăng 5%. Nếu như năm 2020, toàn thành phố có gần 70% số gia đình học tập thì sau 5 năm tỷ lệ này là 75%. Tỷ lệ mô hình đơn vị học tập tăng từ 91,9% lên 95,8%...
Kết quả này có sự nỗ lực của nhiều hội viên, điển hình là ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì. Dù ở địa bàn còn nhiều khó khăn, song Hội Khuyến học huyện Ba Vì luôn làm tốt công tác xã hội hóa quỹ khuyến học, góp phần hỗ trợ, động viên học sinh khó khăn học tập tốt. Đến nay, tổng quỹ khuyến học của huyện đạt hơn 17 tỷ đồng, bản thân ông và gia đình thường xuyên ủng hộ quỹ khuyến học với số tiền trên 30 triệu đồng/năm.
Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhung cũng là một trong những hội viên tích cực. Đơn vị đã tích cực hỗ trợ Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng, triển khai phần mềm đánh giá mô hình “Công dân học tập” tại các tỉnh, thành phố. Hằng năm, nhà trường dành khoảng 15 tỷ đồng để trao học bổng cho sinh viên, giúp sinh viên nghèo vượt khó, duy trì tốt việc học tập.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình học tập từ năm 2020 đến nay, Hội Khuyến học Hà Nội đã biểu dương 58 cán bộ khuyến học tiêu biểu. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, đây là những tấm gương sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài, không ngừng sáng tạo, tận tụy vì sự học của Thủ đô.
Kinh nghiệm từ cơ sở
Các đại biểu dự tọa đàm đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai ở cơ sở trong việc xây dựng các mô hình học tập.
Bà Nguyễn Thị Tạo, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, nếu như năm 2002, chỉ có 2 chi hội dòng họ tham gia công tác khuyến học, thì đến nay có 16 dòng họ.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc học tập, giải pháp được Hội Khuyến học phường tập trung triển khai là tham mưu chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm tổng hợp sức mạnh toàn dân. Việc tiếp cận, vận động từng gia đình đăng ký xây dựng mô hình “Gia đình học tập” được chú trọng, làm cơ sở để xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn (bên trái) trao Bằng khen của Hội tới hội viên khuyến học tiêu biểu. Ảnh: HKH
Chia sẻ về việc xây dựng mô hình “Đơn vị học tập”, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua cho rằng, vấn đề then chốt là con người, đây là yếu tố quyết định cho việc xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” một cách bền vững.
Theo đó, đơn vị tạo điều kiện, khích lệ mỗi lao động dành thời gian tự học. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường tuyên truyền để mỗi người lao động ý thức rõ về tầm quan trọng của việc học, từ việc ăn, uống khoa học để giữ sức khỏe; học để giao tiếp văn minh, ứng xử có văn hóa với khách hàng - đây là yếu tố đặc biệt quan trọng mà mỗi thành viên của đơn vị đều nỗ lực hướng tới.
Ông Lê Nam Hưng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết, đơn vị chú trọng xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” tại các thôn, khu dân cư.

58 cán bộ khuyến học tiêu biểu giai đoạn 2020-2025 được biểu dương. Ảnh: HKH
Chi hội khuyến học các thôn, khu dân cư xây dựng mô hình phù hợp với địa phương và tổ chức tập huấn, triển khai bộ tiêu chí đến từng đơn vị; khuyến khích các thôn xây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng cho học sinh, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn. Tổng quỹ khuyến học của xã đạt hơn 1,2 tỷ đồng. 5 năm qua, có gần 3.000 học sinh được nhận học bổng với tổng số hơn 900 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ đơn vị đăng ký, đạt tiêu chuẩn mô hình “Cộng đồng học tập” ngày càng tăng.