Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, nhiều dự án khuyến nông ở huyện Đồng Văn được triển khai. Trong đó, một số mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập.
Năm 2021, huyện Đồng Văn triển khai thí điểm 4 mô hình: Mô hình trồng 0,35 ha cây Dâu tây, trồng 1,3 ha Su hào lấy củ và hạt, trồng thử nghiệm 0,4 ha cây Mắc ca đều tại thị trấn Đồng Văn và mô hình trồng thử nghiệm 0,2 ha giống ngô lai CP:512 tại xã Sủng Trái. Trong đó, mô hình trồng Dâu tây của anh Nguyễn Tiến Dũng tại thị trấn Đồng Văn được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, anh Dũng được huyện hỗ trợ một phần chi phí mua cây giống và hỗ trợ kỹ thuật. Kết thúc 6 tháng thực hiện mô hình, với diện tích 0,3 ha trồng Dâu tây, anh Dũng thu hoạch được 1.430 kg quả, với giá bán 160 nghìn đồng/kg, anh thu về 214,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn tách được 11.500 cây con bán cây giống, thu về trên 80 triệu đồng. Anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ mô hình trồng Dâu tây cho biết: Qua thực tế đánh giá cây Dâu tây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đồng Văn, vì vậy sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng Dâu tây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác, mỗi năm có thể trồng được 2 vụ, lợi nhuận thu về khoảng trên 200 triệu đồng. Hiện, có một số xã trên địa bàn đặt mua cây giống về trồng và bước đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định.
Từ các mô hình khuyến nông có hiệu quả được huyện hỗ trợ thực hiện, đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình, điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp như: Chăn nuôi lợn sinh sản với 566 hộ, nuôi 1.081 lợn nái tại xã Phố Là, Sủng Là, Má Lé, thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn; chăn nuôi lợn thịt với 26 hộ, hộ nuôi nhiều nhất với 48 con tại các xã Thài Phìn Tủng, Phố Cáo, Phố Là; chăn nuôi bò vỗ béo với 605 hộ, nuôi 1.518 con tại xã Lũng Táo. Bên cạnh đó, còn có một số điển hình về trồng lê, rau hàng hóa… Tất cả các hộ này đều có thu nhập ổn định từ 100 đến trên 200 triệu đồng/năm, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Các mô hình khuyến nông được triển khai thực hiện nhằm mục đích giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về các giống cây trồng, vật nuôi mới; đồng thời giúp người dân tiếp cận với phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường. Thông qua thực hiện các mô hình và tham gia các lớp tập huấn, người nông dân dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Nhiều hộ nắm vững kỹ thuật, biết bố trí thời vụ, sử dụng giống mới và phân bón hợp lý... Nhờ đó hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt được nâng cao. Thời gian tới, từ các mô hình đã được thực hiện thí điểm, Phòng sẽ tham mưu, đề xuất phát triển thêm các mô hình mới, đồng thời hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân các xã, thị trấn tiếp cận các mô hình này để nhân rộng.
Qua kết quả thực tế, các mô hình khuyến nông được triển khai trong thời gian qua ở huyện Đồng Văn đã giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, dần nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.