Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể của nông dân
Để nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể của nông dân, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; qua đó khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tham gia thành lập hợp tác xã. Hiện nay số thửa ruộng bình quân mỗi hộ nông dân giảm còn khoảng 1,5 thửa, nhiều xã có tới 75-80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ. Đến cuối năm 2018, có 127 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 105 hợp tác xã nông nghiệp. Hầu hết các xã đã quy hoạch được các 'cánh đồng lớn' để sản xuất hàng hóa tập trung, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2018, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và Hiệp hội Nông sản tỉnh, hàng năm tổ chức các hội nghị kết nối giữa các hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Đến nay có 6 hợp tác xã đã xây dựng và có thương hiệu sản phẩm gồm: Hợp tác xã nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh); Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Hải Triều, Hợp tác xã nấm Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu); Hợp tác xã nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường; Hợp tác xã chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên); Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Giao Thủy, xã Giao Châu (Giao Thủy). Từ 2015-2018, tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nông dân xây dựng 153 mô hình để phát triển cơ giới hóa, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí 11,6 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019 có thêm 39 mô hình được hỗ trợ với kinh phí 3 tỷ đồng... Thông qua thực hiện mô hình, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất được phát triển nhanh, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân, tăng hiệu quả sản xuất: tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, tuốt lúa đạt 100%; khâu gieo cấy đạt 45%.
Xác định kinh tế tập thể với nòng cốt là các tổ hợp tác, hợp tác xã có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò, vị trí của hợp tác xã; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã; tích cực tư vấn, hướng dẫn thành lập mới hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đối với các cấp Hội Nông dân, thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 29-7-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa V) về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 86 về “Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020”, đưa chỉ tiêu phát triển mô hình kinh tế tập thể vào nội dung nhiệm vụ hàng năm cho các huyện, thành Hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020; ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh về phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, hợp tác xã liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đến năm 2020. 10 năm qua, các cấp Hội phối hợp tổ chức 50 lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho trên 3.000 lượt cán bộ Hội, thành viên Hội đồng quản trị hợp tác xã, hội viên nông dân cơ sở; phối hợp với Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) xây dựng mô hình “Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm may công nghiệp” tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); điều tra thực trạng cơ sở hạ tầng 80 hợp tác xã nông nghiệp tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tham gia cùng với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập mới và thành lập lại được 96 hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời đã trực tiếp hướng dẫn thành lập 3 hợp tác xã, 61 tổ hợp tác; tạo mọi điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động; trong đó tập trung vào hỗ trợ vốn sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống. Các mô hình hoạt động tốt, tiêu biểu như: Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thành, xã Minh Thuận (Vụ Bản); Tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh Mỹ Tiến (Mỹ Lộc); Hợp tác xã trồng hoa, cây cảnh xã Nam Phong (thành phố Nam Định); Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Tổ hợp tác trồng cây đinh lăng dược liệu xã Hải An (Hải Hậu); Tổ hợp tác dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (Giao Thủy). Đến nay, toàn tỉnh có 433 hợp tác xã; trong đó có 337 hợp tác xã nông nghiệp. Trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hầu hết các hợp tác xã quan tâm sản xuất sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị; doanh thu và thu nhập bình quân hàng năm của hợp tác xã đều tăng. Năm 2018, bình quân doanh thu một hợp tác xã nông nghiệp đạt 1 tỷ 180 triệu đồng. Một số hợp tác xã nông nghiệp doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm và lãi đạt trên 400 triệu đồng/năm như Hợp tác xã Minh Tân, Lê Lợi, Hợp Hưng (Vụ Bản), Hợp tác xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã phối hợp với UBND cấp xã, vận động các hộ nông dân chuyển nhượng dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất và hình thành nên các cánh đồng lớn, tạo điều kiện đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Hiện nay, đã có 280/337 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; trong đó có trên 105 hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Phát triển kinh tế tập thể đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy cải tiến trang thiết bị, công nghệ mới, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa sản xuất, cải tiến tổ chức quản lý để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao. Với ý nghĩa đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực như: khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực...; chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của hợp tác xã để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời./.
Bài và ảnh: Lam hồng