Nhân rộng các mô hình thu gom rác hiệu quả
ĐBP - Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Cùng với việc đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rác hiện đại của các đơn vị chuyên môn, nhiều mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác tại các thôn, bản, tổ dân phố đã hình thành và phát huy hiệu quả trong cộng đồng dân cư.
Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.
Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Điện Biên là đơn vị chịu trách nhiệm chính thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Công ty đang triển khai thu gom và xử lý rác thải tại 7/10 địa bàn: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và Nậm Pồ.
Ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: Công ty xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt theo từng ngày, tuần, tháng và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ, đội thu gom rác. Hàng ngày, các tổ thu gom triển khai thu gom và vận chuyển rác thải về xử lý tại các lò đốt, nhà máy xử lý rác thải đúng quy định. Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom và xử lý rác, các tổ phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tại các thôn, bản, tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định. Đồng thời, công ty chú trọng công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống phương tiện thu gom và dây chuyền công nghệ xử lý rác hiện đại.
Hiện nay, Công ty đã đầu tư 1 nhà máy xử lý rác tại huyện Điện Biên với công suất xử lý 90 - 100 tấn rác/ngày đêm. Năm 2023, Công ty tiếp tục đầu tư dự án nhà máy xử lý rác tại huyện Tuần Giáo với công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm phục vụ xử lý rác thải tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và Tủa Chùa. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Tại các địa phương, công tác đầu tư công nghệ xử lý rác cũng đang được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Các huyện: Mường Ảng, Mường Chà và TX. Mường Lay đã đầu tư xây dựng các lò đốt rác. Đến nay, công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng phong trào “Chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, từ tháng 4/2022 Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tủa Chùa đã triển khai thí điểm 2 mô hình “Ngôi nhà xanh” tại bản Bó và bản Bó Én với 150 thành viên và mô hình “Sọt rác gia đình” với 45 thành viên tại thôn Huổi Lếch. Mặc dù các mô hình vừa mới đi vào hoạt động thời gian ngắn song đã phát huy hiệu quả tích cực trong đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung.
Chị Quàng Thị Hoan, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa cho biết: Tham gia mô hình, các hội viên vận động gia đình dọn vệ sinh xung quanh nhà; phân loại rác thải để xử lý. Hàng tuần, các hộ gia đình tự giác phát quang cây cối, dọn vệ sinh xung quanh nhà mình và dọc đường giao thông nội bản, tạo không gian trong lành, thoáng đãng. Rác thải được phân loại thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong bản được nâng lên, tạo thành phong trào, lan tỏa đến từng hộ gia đình.
Chị Phạm Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Tủa Chùa cho biết: Song song với việc triển khai các mô hình, các chi hội phụ nữ thôn, bản, tổ dân phố đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường, xây dựng không gian sống xanh trong các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội và thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm, tổ chức các hội thi về bảo vệ môi trường kết hợp dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), Ngày Môi trường thế giới (5/6). Hội LHPN thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên phụ nữ; phát tài liệu về giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động hội viên thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông; thu gom vỏ thuốc trừ sâu; không đốt rơm rạ, không xả rác thải ra sông, suối. .
Năm 2018, thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, UBND xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) đã phối hợp với Hợp tác xã Thanh Phong tuyên truyền, vận động 40 hộ dân 2 bản: Mường Luân 1 và Mường Luân 2 tham gia mô hình thu gom và xử lý rác thải. Hàng ngày, rác thải của các hộ dân được tập trung đúng vị trí quy định, sau đó Hợp tác xã Thanh Phong có trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi xử lý rác tập trung theo quy hoạch nông thôn mới của UBND xã.
Ông Lò Văn Mười, công chức địa chính xã Mường Luân, phụ trách mô hình cho biết: Sau gần 5 năm triển khai, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường được nâng cao, nhất là việc phân loại và xả rác thải đúng nơi quy định, cảnh quan môi trường thông thoáng, góp phần hoàn tiêu chí môi trường trong xây dựng thôn bản nông thôn mới. Thời gian tới, UBND xã Mường Luân tiếp tục rà soát, tuyên truyền và triển khai nhân rộng mô hình ra các bản trên địa bàn.