Nhân rộng diện tích trồng cam hữu cơ ở Quảng Trị

Được khuyến khích, hỗ trợ tích cực của chính quyền, ngành nông nghiệp địa phương, thời gian gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đầu tư chuyển đổi từ trồng cam theo phương thức truyền thống sang mô hình cam hữu cơ. Việc trồng cam theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo môi trường.

 Mô hình trồng cam hữu cơ đem lại hiệu quả cao ở vùng đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng

Mô hình trồng cam hữu cơ đem lại hiệu quả cao ở vùng đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng

Trước đây, gia đình anh Trần Kim Phúng ở K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng trồng cam theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hơn 1 năm nay, anh đầu tư xây dựng mô hình thâm canh cam theo hướng hữu cơ trên diện tích 0,7 ha. Quá trình trồng, chăm sóc cam, anh thực hiện đúng quy trình kĩ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ, mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong biển. Nhờ vậy, vụ cam năm nay vườn cam của gia đình anh năng suất lẫn chất lượng vượt trội những vụ trước khi còn trồng cam theo truyền thống, ước tính bình quân mỗi gốc cam cho thu hoạch từ 60 - 70 kg quả, đặc biệt giá cam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn giá cam trồng theo phương thức truyền thống từ 5.000 - 10.000 đồng/ kg.

Trước tình trạng nhiều địa phương phát triển cây cam nhưng không đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật nên quả cam kém chất lượng, nhiều lúc tiêu thụ rất khó khăn nhưng những người trồng cam hữu cơ như gia đình anh Phúng vẫn yên tâm về đầu ra cũng như giá sản phẩm. Anh Phúng chia sẻ: “So với trồng cam theo phương thức tự nhiên thì trồng cam theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm. Sau khi tôi sử dụng loại phân bón hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong biển thì cây phát triển rất tốt, lá dày, bóng, không có bệnh, ít sâu bệnh. So năm nay với năm ngoái, ước tính năng suất vườn cam của gia đình tôi tăng khoảng hơn 7 tấn. Do thị trường rất ưa chuộng loại cam hữu cơ nên thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao nên chúng tôi không phải lo lắng nhiều trong việc tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cam hữu cơ theo hướng bền vững”.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 160 ha cam, trong đó huyện Hải Lăng có 60,5 ha; có 10 ha cam trồng theo mô hình hữu cơ, trong đó riêng huyện Hải Lăng 7,7 ha canh tác hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong biển. Mô hình canh tác cam theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 2 vụ, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chất lượng cao. Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Phạm Đình Lợi cho biết: “Thời gian qua, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cây cam được người dân trên địa bàn lựa chọn đầu tư và phát triển, đặc biệt một số hộ dân đã tự tin chuyển đổi từ trồng cam thông thường sang trồng cam hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo mở rộng vùng trồng cam ở K4, đồng thời hướng người dân chuyển từ mô hình canh tác bình thường sang canh tác hữu cơ và kí liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, đăng kí mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo chuỗi VietGAP”.

Để giúp người dân yên tâm sản xuất, hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang hỗ trợ các gia đình trồng cam làm thủ tục truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận vùng an toàn thực phẩm cho vùng cam hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, mùa thu hoạch cam năm nay bắt đầu vào tháng 9. Theo đánh giá sơ bộ niên vụ năm 2019, năng suất cam hữu cơ bình quân dự kiến đạt 60 - 70kg quả/ gốc (30 - 35 tấn/ha), trồng cam bình thường có năng suất khoảng 15 tấn/ha. Giá cam hữu cơ bán cao hơn canh tác truyền thống từ 5.000 - 10.000 đồng/ kg, bình quân 1 kg cam hữu cơ bán tại vườn giá 25.000 đồng. Như vậy, nếu trồng cam hữu cơ, nông dân có thu nhập khoảng 750 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi 300 - 350 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất cam truyền thống 50 - 100 triệu đồng/ha). Có thể nói, phát triển trồng cam hữu cơ sẽ đưa người nông dân hướng đến sản xuất một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo môi trường. Sau thành công mô hình cam hữu cơ sạch ở vùng đồi xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, theo kế hoạch trong thời gian tới toàn tỉnh sẽ mở rộng hơn 100 ha cam hữu cơ.

Nhân chuyến kiểm tra thực địa sản xuất vụ hè thu 2019 tại Hải Lăng, tại vùng cam sản xuất theo hướng hữu cơ K4, xã Hải Phú vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đánh giá cao việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cam của địa phương trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu huyện Hải Lăng tiếp tục chú trọng, nhân rộng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, đặc biệt là chuyển đổi diện tích để trồng một số loại cây theo hướng hữu cơ organic phù hợp theo từng vùng, miền như lúa, cam, chanh leo… Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho huyện và nông dân canh tác hữu cơ organic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, liên kết đầu ra cho sản phẩm.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142064