Nhân rộng hơn nữa các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong chương trình 'Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng'

Ngày 19/8/2019, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, với chủ đề 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng'.

Tham dự chương trình giao lưu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Chương trình giao lưu là sự kiện nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sự kiện diễn ra vào dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với mỗi chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc chương trình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc chương trình

Nhắc lại lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, xây dựng và nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, Thủ tướng cho rằng, những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo là người đã dành đến hơn 30 năm cuộc đời mình nghiên cứu, sưu tầm, chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự những điều tự đáy lòng mình: "Nói đến Bác Hồ, điều sâu thẳm trong trái tim, tâm hồn mỗi người Việt Nam là tình cảm yêu nước thương dân, cả cuộc đời Bác chỉ vì nước vì dân mà tranh đấu hi sinh. Tôi cảm nhận sâu sắc tên Bác đã là biểu tượng cao quý của điều này. “Yêu nước, thương dân” là cả một lẽ sống của đời Người.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, gần với dân gần như một nhu cầu sống, nhu cầu văn hóa của Bác mà mỗi người chúng ta cần noi theo. Chỉ riêng 10 năm cuối đời - khi Bác đã 70 tuổi, đến lúc gần 80 tuổi Bác ra đi mãi mãi, Bác đã có khoảng 700 lần đến với nhân dân, với cơ sở, đặc biệt là nông dân. Tại buổi giao lưu, Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã kể lại một câu chuyện về tình cảm yêu nước, thương dân của Bác, nhất là tấm lòng suốt đời hy sinh vì dân của Bác: câu chuyện Bác đi chúc Tết đồng bào.

Các khách mời dự buổi giao lưu chia sẻ những tình cảm sâu sắc đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc

Các khách mời dự buổi giao lưu chia sẻ những tình cảm sâu sắc đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc

Bên cạnh Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo; Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, chương trình còn có sự giao lưu, chia sẻ của nhiều nhân vật điển hình với những dấu ấn, thành tích về việc học tập và làm theo Bác. Đó là phi công Nguyễn Văn Thuận, một trong 10 gương mặt tiêu biểu Quân đội 2018; ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; ông Tám Đậu (Ngô Văn Đậu) – nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm từ thiện giúp đỡ người nghèo và các bệnh nhân nghèo; ông Sầm Văn Bình - người có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, cho ra đời nhiều tập tài liệu, giáo trình quý về chữ Thái; startup Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mắt Bão, Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2016; Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Funix; Họa sĩ Đặng Ái Việt, họa sĩ vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng; Nam sinh Nguyễn Thuận Hưng, Huy chương Vàng Olympic Toán.

Và đặc biệt, có sự xuất hiện của họa sĩ Gioóc-giơ Bu-chét, con trai của cố nhà báo nổi tiếng thế giới người Ô-xtrây-li-a Uyn-phơ-rết Bớc-séc, người từng sống cùng bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền nam những năm gian khổ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã kể những câu chuyện về tình cảm của cha mình dành cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những điều ông học được từ kỷ niệm quý giá đó.

Tại buổi giao lưu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và những bó hoa tươi thắm tặng 25 điển hình tiêu biểu.

Ban Tổ chức trao hoa, biểu trưng và giấy chứng nhận cho một số điển hình và khách mời tham dự Chương trình; trao hoa và biểu trưng cho Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và các đơn vị có điển hình khu vực và toàn quốc. Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Tổng công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam (PV POWER); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR).

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhan-rong-hon-nua-cac-nhan-to-moi-dien-hinh-tien-tien-trong-chuong-trinh-ho-chi-minh-hanh-trinh-khat-vong/822281.antd