Nhân rộng kết quả khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất

Những năm qua, nông nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) của tỉnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trên cây trồng, con giống và ứng quy trình sản xuất, canh tác tiên tiến... Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Tô Phước Mạnh bên mô hình nuôi lươn không bùn và đang được phát triển nhân rộng theo hướng nuôi khép kín và liên kết hỗ trợ nông dân trong sử dụng nguồn vốn KHCN.

Ông Tô Phước Mạnh bên mô hình nuôi lươn không bùn và đang được phát triển nhân rộng theo hướng nuôi khép kín và liên kết hỗ trợ nông dân trong sử dụng nguồn vốn KHCN.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Sở KHCN Trà Vinh đã triển khai đưa vào ứng dụng 31 kết quả sau nghiên cứu của các đề tài/dự án KHCN về các sở, ngành và địa phương; tập trung nhiều trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… Ngoài ra, tại các địa phương cũng tiếp cận nguồn vốn KHCN để xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng KHCN hỗ trợ cho nông dân nhân rộng vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi như các đề tài nuôi lươn không bùn; trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ; dưa lưới trong nhà màng…

Điển hình như Dự án: “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh” được triển khai ở huyện Duyên Hải, Cầu Ngang. Đề tài “Phục tráng và bảo tồn giống đậu phộng vồ (Arachis hypogaea) có năng suất cao tại tỉnh Trà Vinh”. Đề tài: “Cải thiện khả năng sinh sản của bò lai hướng thịt tại tỉnh Trà Vinh”. Đề tài “nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi vỗ thành thục và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất giống tôm đất từ nguồn bố mẹ tự nhiên trong các ao/đầm/ruộng tại tỉnh Trà Vinh”. Đề tài “Đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm chế biến từ trái bí đỏ (Cucurbita moschata) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” nhằm tạo các sản phẩm bột bí đỏ; puree bí đỏ đóng hộp; bí đỏ chiên tẩm gia vị (Snack bí đỏ); mứt bí đỏ sấy dẻo; bánh mì dinh dưỡng bổ sung chất xơ từ vỏ bí đỏ và quy trình công nghệ chế biến và bảo quản…

Tại huyện Cầu Ngang, thông qua nguồn vốn KHCN (giai đoạn 2021 - 2023) đã đầu tư gần 03 tỷ đồng triển khai thực hiện 03 đề tài: Xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể composiste trên địa bàn các xã Trường Thọ, Mỹ Hòa, Vinh Kim; Xây dựng mô hình trồng dưa hấu trồng theo hướng an toàn tại huyện Cầu Ngang (diện tích 02ha) tại xã Mỹ Long Bắc và xã Long Sơn; Xây dựng mô hình trồng dưa lưới (Cucumis Melo L.) trong nhà màng đạt chứng nhận hữu cơ Quốc tế (diện tích 02ha) tại xã Long Sơn.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Chiến, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang: các đề tài KHCN chuyển giao ứng dụng vào nông nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân; đồng thời, giúp người dân tiếp cận được quy trình canh tác khoa học, hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản…

Ông Tô Phước Mạnh ngụ ấp Giồng Lớn, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang chia sẻ: gia đình đã phát triển nghề nuôi lươn hơn 05 năm; đến năm 2021, thông qua nguồn vốn KHCN được huyện hỗ trợ (khoảng 35 triệu đồng) để triển khai thực hiện quy trình nuôi lươn theo hướng nâng cao chất lượng, nuôi khép kín. Có thể nói, qua nguồn vốn trên đã tác động không nhỏ cho nông dân trong phát triển sản xuất ở quy mô hộ gia đình từ mô hình nuôi lươn không bùn. Đối với gia đình, đã xây dựng và giúp cho các hộ nuôi lươn liên kết, hỗ trợ với nhau về kỹ thuật, con giống và đầu ra sản phẩm.

Cũng theo ông Mạnh, hiện gia đình đã phát triển được 20 bể nuôi lươn (diện tích từ 10 - 15m2/bể), bình quân mật độ nuôi khoảng 4.000 - 5.000 con lươn giống/bể (đạt 01 - 1,2 tấn lươn thương phẩm/bể); hàng năm xuất bán khoảng 20 tấn lươn thương phẩm. Trong năm 2024 - 2025, gia đình sẽ xây dựng khu nuôi lươn khép kín có diện tích khoảng 0,2ha, tổng vốn đầu tư hơn 03 tỷ đồng và tiến tới đảm bảo nguồn lươn thương phẩm xuất bán đạt 40 - 50 tấn/năm; ông mong tiếp tục có sự hỗ trợ và tiếp cận nguồn vốn đầu tư KHCN trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đề tài/dự án được Sở KHCN chuyển giao và thực hiện cùng với các địa phương đã giúp cho nhiều nông hộ phát triển nhân rộng trong sản xuất, chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế. Như dự án: “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh” được triển khai ở huyện Duyên Hải, Cầu Ngang. Từ quy mô dự án đầu tư cho 10 hộ ở huyện Duyên Hải tham gia (với tổng đàn nuôi 100 con đê), đến nay đã phát triển lên 250 con; huyện Cầu Ngang từ 09 hộ tham gia, đến nay đã có 26 hộ với tổng đàn dê 650 con. Qua đó, đem lại thu nhập bình quân từ nuôi dê trên 50 triệu đồng/hộ/năm…

PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KHCN Trà Vinh cho biết: một số đề tài sau nghiên cứu và chuyển giao đã có tác động rất lớn vào sản xuất của nông dân; làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống. Nhìn chung, hầu hết các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác - nuôi trồng đều được nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao trực tiếp (thông qua việc xây dựng mô hình), gián tiếp (thông qua các lớp tập huấn nhân rộng) cho nông dân áp dụng ở các mức độ khác nhau, đem lại kết quả tốt, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nhan-rong-ket-qua-khoa-hoc-cong-nghe-vao-phat-trien-san-xuat-40421.html