Nhân rộng mô hình bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế

Thực hiện phương châm 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa luôn kiên trì bám dân, bám bản, áp dụng những mô hình sản xuất hiệu quả để giúp đồng bào các dân tộc khu vực biên giới phía Tây của tỉnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đồn Biên phòng Trung Lý hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây sắn năng suất cao tại bản Lìn, xã Trung Lý (Mường Lát). Ảnh: Xuân Minh

Điểm nhấn trong hoạt động giúp dân phát triển kinh tế của BĐBP tuyến núi đó là triển khai các mô hình kinh tế ở các xã biên giới huyện Mường Lát, như: trồng sắn năng suất cao; trồng cây táo mèo ở các xã Pù Nhi, Quang Chiểu; nuôi dê, lợn rừng ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu; nuôi cá tầm ở Đồn Biên phòng Bát Mọt... Điển hình như các Đồn Biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý đứng chân trên địa bàn huyện Mường Lát đã ký kết chương trình phối hợp với Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) triển khai mô hình điểm trồng “Cây sắn năng suất cao”. Trong nội dung chương trình ký kết, công ty sẽ đầu tư giống sắn, phân bón; phân công cán bộ kỹ thuật cùng với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn, đồng thời ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho người trồng sắn.

Anh Thào A Giáng, xã Trung Lý cho biết: "Tham gia mô hình trồng sắn, gia đình được Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh hỗ trợ phân bón, cây giống, tư vấn kỹ thuật chăm sóc nên diện tích trồng sắn của gia đình phát triển tốt, cây ra nhiều củ, không có sâu bệnh. Bình quân mỗi gốc sắn khi thu hoạch đạt trọng lượng khoảng 3kg, có cây đạt tới 5kg. So với việc trồng ngô, lúa thì trồng sắn đỡ công chăm sóc và ít sâu bệnh; giá thành lại cao hơn gấp 2 - 3 lần. Vì vậy thời gian tới gia đình tiếp tục nhân rộng diện tích trồng sắn".

Đánh giá về mô hình trồng sắn năng suất cao ở địa phương, đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho rằng: Mô hình trồng sắn năng suất cao giúp người dân, nhất là người dân các xã giáp biên có nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ gia đình trồng sắn mỗi vụ trừ chi phí có thu nhập vài chục triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức về sản xuất hàng hóa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tương tự, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đóng chân trên địa bàn huyện Quan Sơn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã Na Mèo, Sơn Thủy xây dựng và triển khai nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như đơn vị đã triển khai mô hình canh tác lúa nước 2 vụ cho năng suất trên 50 tạ/ha, tăng 20 tạ/ha so với canh tác truyền thống tại 3 bản đồng bào Mông Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trồng 60ha lúa nước mùa khô tại 12 bản thuộc huyện Viêng Xay (nước CHDCND Lào). Đồn Biên phòng Tam Thanh ký kết phối hợp với Hội LHPN huyện Quan Sơn và Hội LHPN 2 xã Tam Lư, Tam Thanh tặng bò giống sinh sản. Đồng thời, đơn vị duy trì mô hình nuôi lợn đen giống bản địa tại xã Tam Lư...

Qua khảo sát thực tế cho thấy, cùng với phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, BĐBP tỉnh còn triển khai nhiều phong trào ý nghĩa, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào miền núi xứ Thanh. Điển hình như phong trào “BĐBP chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “BĐBP chung sức XDNTM, đô thị văn minh”; “Mái ấm giúp người nghèo nơi biên giới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Tay kéo Biên phòng”; Chương trình “Nâng bước em tới trường” - “Con nuôi đồn Biên phòng”... Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ các đồn BĐBP tuyến núi còn đóng góp khoảng 10.000 ngày công giúp Nhân dân tu sửa, làm mới đường giao thông nội bản, nạo vét kênh mương thủy lợi, thu hoạch mùa màng... Từ những việc làm ý nghĩa trên đã thúc đẩy kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương phát triển, nhân lên tình đoàn kết quân - dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Đại tá Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Từ những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, giờ đây hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được đồng bào các dân tộc tin tưởng và yêu mến, góp phần thắt chặt đoàn kết quân và dân, xây dựng cuộc sống khu vực biên giới ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhan-rong-mo-hinh-bo-doi-bien-phong-giup-dan-phat-trien-kinh-te-215707.htm