Nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 69 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 1.115 ha. Các cánh đồng mẫu được duy trì và phát triển sản xuất theo hướng gắn kết 3 vụ trong năm (vụ lúa xuân, vụ lúa mùa và vụ đông). Đặc biệt, trên các cánh đồng mẫu thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đại lý, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 69 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 1.115 ha. Các cánh đồng mẫu được duy trì và phát triển sản xuất theo hướng gắn kết 3 vụ trong năm (vụ lúa xuân, vụ lúa mùa và vụ đông). Đặc biệt, trên các cánh đồng mẫu thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đại lý, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) xây dựng được 2 cánh đồng mẫu có diện tích 30 ha/cánh đồng. Việc sản xuất trên các cánh đồng mẫu của địa phương cơ bản thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, ở hai vụ lúa hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Nguyễn Úy ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thóc giống với Công ty TNHH Nam Dương (Khu công nghiệp Đồng Văn - Duy Tiên). Theo đó, doanh nghiệp cung cấp giống lúa thuần siêu nguyên chủng ND502 và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kể cả thời điểm thu hoạch phù hợp. Đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm thóc giống nguyên chủng trên các cánh đồng liên kết sản xuất theo hình thức thu mua thóc tươi tại bờ ruộng. Do vậy, năng suất lúa trên cánh đồng mẫu luôn đạt cao, gần 300 kg thóc tươi/sào. Với năng suất và giá bán ổn định, giá trị đem lại trên diện tích sản xuất tại cánh đồng mẫu của địa phương tăng 7 - 10% so với ngoài mô hình. Sản xuất vụ đông trên cánh đồng mẫu được duy trì các loại rau, củ, quả, nhất là sản phẩm dưa chuột liên kết với đại lý cho giá trị bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/sào/vụ.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTXDVNN Nguyễn Úy cho biết: Mô hình cánh đồng mẫu tại địa phương đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế. Qua đó, tạo sự lan tỏa, người dân đã áp dụng phương pháp sản xuất tập trung trên nhiều cánh đồng…
Cánh đồng mẫu sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi Cilic tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm). Ảnh: Thành Nam
Những năm qua, huyện Kim Bảng quan tâm triển khai nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ở hầu hết các địa phương. Tại huyện đang có 18 cánh đồng mẫu, tổng diện tích 534 ha. Tất cả các cánh đồng mẫu đều thực hiện sản xuất theo đúng yêu cầu đề ra: Cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh. Nhiều cánh đồng mẫu được áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy… Một số HTXDVNN ký được hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên cánh đồng mẫu. Chỉ tính riêng Công ty TNHH Nam Dương đã liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu tại 3 địa phương, gồm: Xã Tượng Lĩnh, Nguyễn Úy và Đại Cương.
Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, các cánh đồng mẫu đã tạo điểm nhấn và bước đột phá mới trên đồng ruộng của huyện. Từ cánh đồng mẫu, trong sản xuất đại trà hướng đến chỉ tập trung vào một số giống chủ lực, hạn chế đáng kể được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún. Giá trị sản xuất trên các cánh đồng mẫu của huyện chỉ tính riêng 2 vụ lúa tăng khoảng 5% so với bên ngoài mô hình…
Với các địa phương khác trong tỉnh, mô hình cánh đồng mẫu cũng được duy trì và đang phát huy hiệu quả. Nổi bật, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) đã hình thành 9 cánh đồng mẫu, gồm: 2 cánh đồng có quy mô diện tích 30 ha/cánh đồng, 7 cánh đồng có quy mô diện tích 7 - 15ha/cánh đồng. Các cánh đồng mẫu của xã các vụ lúa đều duy trì tốt sản xuất tập trung lúa chất lượng, lúa hàng hóa. Trong đó, 3 cánh đồng có tổng diện tích 50 ha được liên kết sản xuất lúa hàng hóa với doanh nghiệp. Một số cánh đồng được bố trí sản xuất vụ đông, chủ yếu trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Mỹ chia sẻ: Sản xuất trên cánh đồng mẫu có nhiều thuận lợi cả cho việc điều hành dịch vụ của hợp tác xã và người dân. Đặc biệt, năng suất và giá trị cây lúa trên cánh đồng mẫu tăng 5% - 7% so với sản xuất bên ngoài của người dân…
Có thể khẳng định, mô hình cánh đồng mẫu đã tạo chuyển biến tích cực trên đồng ruộng. Cụ thể, tạo sự thay đổi trong sản xuất khi các địa phương tạo được nhiều cánh đồng cùng giống, cùng trà, thuận lợi cho quá trình điều tiết nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Thực tế, hiện đã cơ bản loại bỏ được tình trạng trên cùng 1 cánh đồng nhưng có 7 - 10 loại giống lúa như trước đây. Vì thế, cơ giới hóa cũng được áp dụng rộng rãi, nhất là khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 95% diện tích.
Từ hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu, tại các địa phương người dân thực hiện tập trung ruộng đất sản xuất trên cánh đồng có diện tích lớn để liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Hiện tại, cả tỉnh có hàng chục mô hình tập trung ruộng đất của người dân có diện tích từ 5 đến hơn 20 ha, có mô hình rộng 30 - 40 ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa cung cấp cho doanh nghiệp. Trên các cánh đồng mẫu, nhiều địa phương xây dựng những mô hình sản xuất mới, từ đó nhân ra diện rộng như: Sản xuất các giống lúa, cây trồng mới, mô hình cấy lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Đơn cử, tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm) trên cánh đồng mẫu đang được triển khai mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ Nano Canxi Cilic và phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa cho hiệu quả rõ rệt...
Ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn) đánh giá: Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu là thành công lớn trên đồng ruộng của tỉnh. Từ các mô hình này tạo sự lan tỏa, thay đổi tập quán, suy nghĩ, cách làm của người dân, giúp nâng cao giá trị kinh tế, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất. Hiện, sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh đang được phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung…
Sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng của tỉnh đang tiếp tục được định hướng phát triển nâng cao giá trị kinh tế. Do vậy, việc duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình cánh đồng mẫu thực sự cần thiết trong những năm tiếp theo. Các địa phương cần nhân rộng thêm các mô hình cánh đồng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa trên đồng ruộng.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/nhan-rong-mo-hinh-canh-dong-mau-99058.html