Nhân rộng mô hình chuyển đổi số, tiến tới phát triển 'Làng số'
Định Hưng và Định Long là 2 xã xây dựng mô hình 'thôn thông minh', '3 không' đầu tiên của huyện Yên Định và là điểm chỉ đạo của tỉnh trong công tác chuyển đổi số (CĐS). Những kết quả đạt được của các đơn vị trong quá trình thực hiện đã mang lại nhiều tiện ích thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần từng bước hình thành 'Làng số', những 'công dân số'.
Tạo mã QR code điểm di tích để người dân, du khách tra cứu thông tin tại làng Hổ Thôn, xã Định Hưng.
Đầu năm 2023, khi xã Định Hưng triển khai thực hiện mô hình điểm “thôn thông minh” tại thôn Hổ Thôn. Mọi công việc hằng ngày của trưởng thôn Hổ Thôn Hoàng Văn Thắng phải thay đổi để thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu như trước đây, anh Thắng phải thường xuyên đến nhà văn hóa để xử lý việc thôn, hoặc thông qua hệ thống loa truyền thanh... thì nay, sử dụng điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu, lúc nào, anh cũng điều khiển được các thiết bị trong hệ thống hạ tầng tại nhà văn hóa thôn. Đó là kết quả áp dụng CĐS, xây dựng thôn thông minh như: hệ thống truyền thanh thông minh (tải, đọc văn bản, phát, tiếp phát thông báo, tin tức qua smartphone); hệ thống điện thông minh (máy phát thanh, ti vi...); hệ thống camera an ninh...
Anh Thắng cho biết: “Từ ngày triển khai CĐS, thực hiện mô hình thôn thông minh, tuy có gặp một số khó khăn ban đầu, nhưng khi đã quen việc thì thao tác nhanh và thuận tiện hơn, hiệu quả công việc cao hơn".
Dẫn chúng tôi đi xem một số mô hình CĐS của thôn, anh Thắng và ban công tác mặt trận thôn hồ hởi kể cho chúng tôi nghe quá trình thực hiện kỳ công, vất vả nhưng lại nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân vì những tiện ích của nó. Đó là: mã số hóa tạo tài khoản định danh điện tử VneID cho người dân, tạo lập chữ ký điện tử miễn phí, tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt/giới thiệu lịch sử, văn hóa của địa phương cũng như sơ đồ các ngõ xóm, thông tin hộ dân trên địa bàn thôn...
Ngoài thôn thông minh, xã Định Hưng còn có mô hình “3 không” gồm: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. Từ mô hình này, 100% thủ tục hành chính được thực hiện qua môi trường mạng và các thủ tục hành chính liên thông. Cuối năm 2023, mô hình thôn thông minh đã thực sự đi vào cuộc sống làm thay đổi rõ rệt diện mạo làng quê theo hướng hiện đại, văn minh, năng động. Thôn đã lắp 19 mắt camera giám sát các tuyến đường dân cư; 100% cơ sở dịch vụ trên địa bàn có mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt; 8/8 ngõ xóm đều được in và treo 2 bảng mã QR code ở nhà văn hóa, đầu và cuối các ngõ để khách, Nhân dân đến giao dịch có thể tìm kiếm thông tin hộ, nhân khẩu; dán mã QR code giới thiệu về di tích của địa phương... Đến nay, nhiều người đã quen với việc check icloud mã QR code để tra cứu thông tin, thay vì nghe cán bộ giải thích hoặc tìm tài liệu...
Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Định Hưng, cho biết: "Ban đầu, người dân chưa quen, nên xã, thôn phải dành nhiều thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn. Tuy nhiên, với nhiều tiện ích thiết thực đã được thể hiện trong cuộc sống, bà con đã hoàn toàn đồng tình, ủng hộ CĐS với xây dựng “thôn thông minh” mô hình “3 không”, tạo cơ sở xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu".
Sự phát triển của CĐS đã giúp diện mạo nông thôn xã Định Long thay đổi cả chất và lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp con người linh hoạt, năng động và hiệu quả công việc cao hơn. Nòng cốt hoạt động của thôn thông minh là thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào cuộc sống trên các lĩnh vực: như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch, phát triển kinh tế. Những tiện ích thực hiện CĐS giúp công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành của địa phương nhanh, hiệu quả mà còn giúp người dân ứng dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh...
Yên Định là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về thực hiện CĐS trên 3 trụ cột chính “Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số” đạt được kết quả tích cực. Nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp về công tác CĐS, như: Xã Yên Thái thực hiện chữ ký số cá nhân; thị trấn Yên Lâm triển khai chương trình “thứ hai ngày không viết, thứ 6 ngày không hẹn và ứng dụng mã QR code tra cứu thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và trả kết quả; số hóa các di tích, truyền thanh thông minh và mô hình camera an ninh, chợ 4.0 tại thị trấn Quán Lào, xã Định Hòa, Định Tân... Năm 2023, huyện hoàn thành về đích 10 xã, thị trấn CĐS theo kế hoạch của tỉnh, huyện. Toàn huyện có 349 điểm với 799 mắt camera an ninh được lắp đặt tại 20 xã, thị trấn và 27 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông đã trở thành điểm tư vấn, hỗ trợ triển khai các dịch vụ CĐS; 12/17 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn...
Sự phát triển của CĐS với các mô hình đang tạo ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin nhanh, nắm bắt thông tin và xử lý công việc kịp thời, hiệu quả... Huyện Yên Định là một trong những đơn vị đang tiến tới xây dựng “Làng số” từ những mô hình CĐS. Đầu năm 2024, huyện đã tập huấn, triển khai nhân rộng “thôn thông minh”, mô hình “3 không” và các mô hình CĐS trên địa bàn toàn huyện, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác CĐS; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị triển khai thực hiện; khuyến khích các đơn vị có những sáng kiến hay trong xây dựng các mô hình CĐS phù hợp với điều kiện của địa bàn quản lý; nhân rộng mô hình đảm bảo các nội dung, chỉ tiêu cơ bản theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.