Nhân rộng mô hình Phòng điều tra thân thiện
Thực hiện Quyết định 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã xây dựng, vận hành 33 mô hình 'Phòng điều tra thân thiện' để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi.
Linh hoạt, gần gũi với trẻ em
“Phòng điều tra thân thiện” mở ra nhằm phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; phụ nữ, người dưới 18 tuổi bị bạo lực, bạo hành… Qua thời gian triển khai cho thấy, trong không gian ấm cúng, thân thiện, mô hình này giúp người bị hại, người vi phạm dưới 18 tủoi ổn định tâm lý, cởi mở, chia sẻ và mô tả lại vụ việc được chính xác, thoải mái hơn.
Hiện, Phòng được đặt tại Công an cấp tỉnh, thành phố với diện tích từ 12m2 đến 20m2, phù hợp, thuận tiện việc đi lại cho các đơn vị, không bố trí ở gần khu vực tiếp dân. Mô hình “phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ, nhất là nạn nhân dưới 18 tuổi trong các vụ xâm hại tình dục. Phòng có camera, máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính để bàn, đồng hồ treo tường, điều hòa nhiệt độ, ghế băng ngồi chờ, bộ mô hình (hình nộm cơ thể người con gái, con trai), tủ tài liệu, sách, truyện tranh, bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu ban đầu, cây xanh trang trí…
Ngay khi bắt đầu xây dựng và đưa vào chủ trương xây dựng vận hành “phòng điều tra thân thiện” Bộ Công an đã tổ chức các buổi tập huấn cho điều tra viên và cán bộ điều tra kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân, kỹ năng giải quyết tin báo tố giác tội phạm, cũng như kỹ năng tiếp xúc ban đầu đối với tin báo tố giác tội phạm như thế nào trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bộ Công an cũng đã biên soạn 2 tài liệu tập huấn cấp phát cho cơ sở; đồng thời, cấp phát 1.400 chứng chỉ cho các điều tra viên về kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Sơn La cho biết, trong quá trình lấy lời khai, điều tra viên phải mặc trang phục ngành nhưng với các vụ án liên quan trẻ em, cán bộ điều tra có thể vận dụng linh hoạt để mặc thường phục, tạo cảm giác gần gũi. Bên cạnh đó, cán bộ điều tra được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/1 lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định. Việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi còn có sự góp mặt của người giám hộ.
Bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại trẻ
Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an, Thượng tá Phạm Mai Hiên đánh giá, việc lấy lời khai cơ quan đều có ghi âm, ghi hình để đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử, được lưu trữ theo chế độ mật; đòng thời các cuộc lấy lời khai đều đảm bảo đúng thành phần theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (có gia đình nạn nhân, đại diện cơ quan tổ chức xã hội,...). Điều tra viên khi sử dụng Phòng Điều tra thân thiện đều đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng lấy lời khai thân thiện với trẻ em nên có kiến thức, kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao”.
Theo thống kê của Bộ Công an, số vụ thụ lý trong các mô hình “phòng điều tra thân thiện” tại các địa phương đạt tỷ lệ cao, Lai Châu (200 vụ), Kon Tum (trên 100 vụ), Bình Thuận (70 vụ), Hà Nội (65 vụ), Đồng Tháp (64 vụ), TP.Hồ Chí Minh (61 vụ), Gia Lai (60 vụ)...
Thông tư số 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi. Thông tư có hiệu lực từ ngày 8.6.2021.
Ngày 19.6.2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn của mình thực hiện các giải pháp cụ thể. Trong đó, giao Bộ Công an đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Để góp phần thực hiện các mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết nêu trên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an Thượng tá Phạm Mai Hiên cho biết thời gian tới, ngoài 63 phòng điều tra tại Công an tỉnh, Bộ Công an sẽ xã hội hóa, nhân rộng tại công an cấp huyện. Đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em.