Nhân rộng mô hình quần chúng giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Giúp đỡ người lẫm lỗi tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù là hoạt động mang tính pháp lý nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác này có ý nghĩa xã hội rất lớn, mang đậm tính nhân văn đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Qua quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỗi gắn với công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng có vai trò rất quan trọng.

 Tăng cường công tác tuyên truyền đối với người tái hòa nhập cộng đồng -Ảnh: T.N

Tăng cường công tác tuyên truyền đối với người tái hòa nhập cộng đồng -Ảnh: T.N

Nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng có một số nội dung như: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân; hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng; thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục về pháp lý; đào tạo nghề nghiệp, việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù…

Theo Thượng tá Mai Anh Tú, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) Công an tỉnh thì trong các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng có vai trò rất quan trọng. Công tác này phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng công an cùng với gia đình và bản thân những người chấp hành xong hình phạt tù tiến hành các biện pháp phối hợp, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về điều kiện kinh tế, việc làm, quy định pháp lý; những rào cản về tâm lý với gia đình, cộng đồng, giúp họ ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, công tác tái hòa nhập cộng đồng được lực lượng công an tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện với nhiều nội dung, biện pháp hiệu quả, trong đó công tác xây dựng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng luôn được chú trọng. Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp tham mưu chính quyền địa phương triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, trên toàn tỉnh đang duy trì 13 mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại 8/10 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu trong đó là dạng mô hình do Ban chỉ đạo 138 &1523, Mặt trận Tổ quốc các cấp quản lý, điều hành (5 mô hình) và dạng mô hình do Hội Cựu chiến binh cấp xã trực tiếp đảm nhận (8 mô hình).

Thông qua hoạt động của các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đồng thời phát huy vai trò tham gia của đối tượng chấp hành xong án phạt tù và các đoàn thể, quần chúng nhân dân trong việc giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi. Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tái hòa nhập cộng đồng nói riêng và đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) nói chung được củng cố.

Thông qua các mô hình này đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 72 người, tiếp nhận, tạo việc làm cho 44 người chấp hành xong án phạt tù. Tiêu biểu như mô hình “Hội Cựu chiến binh chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” được Công an huyện Triệu Phong xây dựng, duy trì tại xã Triệu Thượng từ tháng 10/2019, thực hiện quản lý 12 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ 5 người có việc làm ổn định. Mô hình “Công an thị trấn Lao Bảo giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” xây dựng từ tháng 2/2021 đã huy động sự tham gia của các đoàn thể giúp đỡ, tạo việc làm cho 2 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng tại khóm Xuân Phước…

Mặc dù các mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã được hướng dẫn, xây dựng ở hầu hết các địa bàn cấp huyện nhưng qua thực tiễn, hoạt động của các mô hình gặp không ít khó khăn. Phổ biến nhất là vấn đề huy động kinh phí từ ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Thực tế đến thời điểm hiện tại, chỉ có 24/541 người chấp hành xong án phạt tù còn án tích đang quản lý tại địa phương được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn khác của địa phương.

Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 11, Nghị định 49/2020/NĐ-CP nêu rõ: “Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm…”.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, rất cần sự chung tay, góp sức của chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người có quá khứ lầm lỗi dần ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163666&title=nhan-rong-mo-hinh-quan-chung-giup-nguoi-lam-loi-tai-hoa-nhap-cong-dong