Nhân rộng mô hình sản xuất an toàn thực phẩm
Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là rau, củ, quả, thịt, cá sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng. Do đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi phù hợp, đúng đắn.
Nắm bắt xu hướng này, nhiều hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả và các loại nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, làm ra nhiều loại nông sản chất lượng cao.
Những hợp tác xã tiên phong
Là một trong số ít các hợp tác xã nông sản an toàn ra đời sớm của huyện Thanh Trì, đến nay, Hợp tác xã Kinh doanh, dịch vụ, thương mại tổng hợp Đại Lan - xã Duyên Hà (Hợp tác xã Đại Lan) có 53,75ha rau màu sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ tham gia mô hình này, nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương pháp truyền thống.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Đại Lan Đặng Bá Thắng, những năm qua, hợp tác xã đã cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh cho thành viên. Trong đó, giống, vật tư, phân bón, hợp tác xã đều chọn loại chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mỗi năm, hợp tác xã mua khoảng 60 tấn phân bón Quế Lâm để cấp và bán cho 100 hộ gia đình nông dân. Ở vùng trồng rau màu, cây ăn quả trên địa bàn, nông dân tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai mục, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quá liều lượng...
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Đại Lan đầu tư hệ thống nhà sơ chế với diện tích 200m2 và các trang thiết bị hiện đại, bảo đảm sơ chế rau đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Rau được phân loại, làm sạch và rửa kỹ bằng nước, dùng bao túi sạch để chứa đựng. “Hằng năm, hợp tác xã tổ chức các buổi tập huấn về sản xuất rau, củ cho người dân.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, hợp tác xã đã tổ chức 5 buổi tập huấn”, Giám đốc Hợp tác xã Đại Lan Đặng Bá Thắng thông tin.
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giảm chi phí trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường… “Với nguyên tắc: Không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ…, sản phẩm rau, củ của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường”, bà Nguyễn Thị Hà, thành viên Hợp tác xã Đại Lan chia sẻ thêm.
Được coi là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Uy Nỗ - huyện Đông Anh (Hợp tác xã Uy Nỗ) đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất an toàn. Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Hoàng Văn Giang cho biết, hiện hợp tác xã có diện tích sản xuất lên đến gần 200ha. Trong đó, có khoảng 150ha là đất trồng lúa, còn lại gần 50ha là những vùng chuyên canh, được nông dân trồng hoa đào, bưởi diễn, cam canh và một số cây dài ngày khác.
Hằng năm, hợp tác xã đều tổ chức tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp an toàn cho các thành viên; tập huấn về an toàn lao động. Mỗi lớp tập huấn có 100-150 thành viên tham gia. Nhờ đó, mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của hợp tác xã ngày càng được nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Nghĩa Lại - thành viên Hợp tác xã Uy Nỗ là một trong những hộ trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi sản xuất theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ông Hiển cho hay, với trang trại rộng khoảng 15.000m2, gia đình ông trồng 200 gốc bưởi, 50 gốc nhãn cùng một số loại cây cho trái khác, như mít, xoài, dừa... Ngoài ra, gia đình ông Hiển còn nuôi khoảng 20.000 con gà đẻ trứng, đào ao thả cá, xây chuồng nuôi bò, lợn. Với phương thức sản xuất tuần hoàn, gia đình ông Hiển bán ra thị trường nông sản bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hỗ trợ mở rộng mô hình
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm hợp tác xã đang thực hiện quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện nay, nhiều hợp tác xã đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể, như gạo thơm Bối Khê của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, chuỗi thực phẩm AZ của Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai); rau hữu cơ của Hợp tác xã Văn Đức (huyện Gia Lâm)...
Hiện tại, toàn thành phố có 1.392 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có khoảng 100 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các hợp tác xã này đã từng bước tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thiết kế bao bì, có mã vạch sản phẩm. Qua đó, giá trị sản phẩm đã tăng từ 10 đến 30%, góp phần nâng cao thu nhập cho hợp tác xã cũng như người lao động.
Để khuyến khích các hợp tác xã sản xuất bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chỉ cung cấp cho thị trường nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đại diện các hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn mong muốn thành phố và các sở, ngành có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên sâu, bền vững. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, thuê lao động có trình độ, tay nghề về làm việc có thời hạn…
Thêm vào đó, thành phố cần hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn, đào tạo theo chuyên đề sâu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, như: Cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp đúng cách; bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-an-toan-thuc-pham-640203.html