Nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm
Sáng 4/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Hợp tác xã và ngư dân nuôi tôm nước lợ công nghiệp của 4 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định và Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua.
Hiện nay tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Giải quyết hơn 3 triệu lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Trần Xuân Học, ngành tôm được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Hoạt động nuôi tôm hiện nay đang tập trung ở 5 địa phương gồm: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh với khoảng 1.200 cơ sở nuôi. Diện tích nuôi hằng năm khoảng 1.600ha với sản lượng trung bình đạt 10.000 tấn/năm.
Để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có nuôi tôm, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách như: Hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, hỗ trợ 80% kinh phí chứng nhận đối với các mô hình sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GolbalGAP, HACCP,.. hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ hợp tác xã,...
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị và chia sẻ kinh nghiệm của một số hợp tác xã, một số doanh nghiệp về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết hợp tác trong các mô hình nuôi tôm,...
Bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành tôm trong thời gian qua, hiện nay theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành tôm vẫn chưa phát huy hết được những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người và sự quan tâm của nhà nước.
Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu, quy hoạch,... thì một nguyên nhân chính là mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh khẳng định: Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong ngành tôm cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, xây dựng mối liên kết bền vững. Từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ tháo gỡ những điểm nghẽn, thách thức mà ngành tôm đang phải đối mặt để trong thời gian tới ngành tôm sẽ phát triển bền vững hơn.
Trước đó, chiều 3/11, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham quan một số mô hình nuôi tôm trên cát theo chuỗi giá trị và nuôi tôm thẻ chân trắng, đạt chứng nhận VietGAP ở phường Mai Hùng và xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An)