Nhân rộng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ
Hơn 20.000 công nhân lao động tham gia các tổ tự quản
(HNM) - Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với hơn 20.000 công nhân lao động tham gia. Mô hình này rất thiết thực khi đã đẩy lùi được tình trạng mất an ninh trật tự tại nhiều địa bàn. Thực tế này khẳng định, đây là mô hình rất cần được nhân rộng.
Việc thành lập các tổ tự quản nhà trọ công nhân đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Ảnh: Ngọc Ánh
Hà Nội là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Trong bối cảnh đa phần doanh nghiệp không tổ chức được chỗ ở cho công nhân, buộc họ phải thuê chỗ trọ bên ngoài, đã nảy sinh tình trạng một bộ phận không nhỏ người lao động sống buông thả, đồng thời tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động gây mất an ninh, trật tự.
Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố đã từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, trên địa bàn thành phố đã hình thành 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với hơn 20.000 công nhân tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn Đỗ Thị Hương, thông qua mô hình này, các cấp công đoàn phối hợp với lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền đến công nhân lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chế độ liên quan đến công nhân lao động. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở người lao động chấp hành đăng ký tạm trú, tạm vắng, gắn sinh hoạt của tổ công nhân tự quản với sinh hoạt tổ dân phố để tuyên truyền phòng, chống tội phạm; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động, nhất là vào dịp lễ, Tết...
Hoạt động của tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã giúp người lao động yên tâm sản xuất. Ảnh: Thái Hiền
Nói về tổ tự quản công nhân lao động tại xóm trọ, chị Nguyễn Thị Hồng, khu nhà trọ xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho biết, từ khi gia nhập tổ tự quản, chị được nắm bắt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của người lao động. Không dừng lại ở việc nâng cao hiểu biết, mang lại đời sống tinh thần tốt hơn cho công nhân lao động, theo số liệu của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, 5 năm qua, các tổ tự quản đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các vụ việc phát sinh ở cơ sở. Trong đó, các tổ tự quản tham gia hòa giải, giải quyết tại cơ sở được 155 vụ việc; cung cấp thông tin, góp phần điều tra, làm rõ 35 vụ phạm pháp hình sự.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến khẳng định, xây dựng tổ tự quản khu nhà trọ công nhân là một hình thức tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tích cực tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa người lao động với tổ chức công đoàn; giữa công đoàn với chính quyền và các ban, ngành ở cơ sở.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, đây là mô hình hay và khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng công an chủ động đồng hành với các cấp công đoàn triển khai giải pháp tuyên truyền, vận động thu hút công nhân lao động tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân nói riêng, phát triển mô hình này cả về số lượng và chất lượng.