Nhân rộng nhóm sở thích trồng rừng ở Thượng Bình
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trong 4 năm qua, với các hợp phần hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP); xã Thượng Bình (Bắc Quang) đã phát triển hàng được chục nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế, điển hình là các nhóm trồng rừng kinh tế.
Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân; đến nay, xã Thượng Bình đã thành lập được 25 nhóm CIG với 261 thành viên và 129 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo tham gia. Hiện, có 15 nhóm được tài trợ với tổng hơn 1,5 tỷ đồng; người dân đối ứng một nửa số tiền trên. Có thể nói, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo hình thức tập thể không những khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của vùng mà còn giúp các thành viên nâng cao năng lực về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, một số nhóm CIG như: Chăn nuôi dê, cá, lợn đen cũng đã tạo ra sản phẩm hàng hóa được doanh nghiệp, tư thương thu mua ngay; qua đó, thu hồi vốn nhanh và tăng thêm lợi nhuận so với trước kia.
Với tổng diện tích đất trồng rừng của xã là 2.077,8 ha, quá trình chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt lâm sản sang trồng rừng kinh tế cao đã đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và nâng độ che phủ rừng đạt 60%. Đi dọc con đường vào trung tâm xã, những rừng keo bạt ngàn, trải rộng tầm mắt và chỉ vài năm nữa sẽ cho thu hoạch; mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nắm bắt xu hướng phát triển, để xây dựng năng lực định hướng thị trường; Tiểu hợp phần đồng tài trợ cạnh tranh nhóm CIG đã thành lập 8 nhóm trồng rừng ở các thôn: Khuổi Tát, Bản Bun, thôn Trung với số tiền đầu tư bình quân là 100 triệu đồng/nhóm, hộ dân cũng phải góp vốn; cách làm linh hoạt này đã tạo ra lợi ích “kép”, khiến người dân nêu cao trách nhiệm, yên tâm gắn bó, chăm sóc rừng.
Chị Giàng Thị Mo, Trưởng nhóm CIG trồng keo thôn Bản Bun cho biết: “Nhóm có tổng số 10 thành viên và trồng được 30 ha rừng. Theo quy định, từng tháng hoặc quý; nhóm sẽ họp 1 lần để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp trồng rừng hiệu quả. Trong quá trình triển khai dự án, cán bộ phụ trách CPRP của xã luôn theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các hoạt động của nhóm. Thông qua nhóm CIG, chúng tôi tiếp thu thêm những kỹ năng cần thiết để phát triển các mô hình kinh tế, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, hàng tháng, mỗi người đóng góp 50 nghìn đồng, nhóm tiết kiệm được gần 9 triệu đồng làm quỹ, khi nào chị em cần thì cho vay. Đây là lần đầu tiên những phụ nữ dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với cách thức làm việc mới, thay đổi tư duy, nhận thức trong làm ăn từ nhỏ lẻ, manh mún sang nhóm hộ”.
Theo lời chị Lý Thị Tồng, thành viên nhóm CIG trồng keo thôn Bản Bun chia sẻ: “Cách đây 10 năm về trước, đất trồng rừng trong thôn bỏ trống nhiều để cho cây bụi mọc tự nhiên. Từ khi bắt đầu có doanh nghiệp, hộ dân đứng ra liên kết trồng rừng với bà con, phong trào trồng rừng mới thật sự lan tỏa. Năm 2018, nhà tôi trồng được 3 ha rừng keo, được các chị có kinh nghiệm hướng dẫn cho tôi cách tỉa cành, bón phân nên cây keo phát triển nhanh hơn. Tôi tin chắc rằng, 5 - 7 năm nữa, cây keo được bán, gia đình sẽ có một khoản tiền kha khá để tiếp tục tái đầu tư sản xuất, mua thêm bò về nuôi để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo”.
Xã Thượng Bình có 436 hộ với 1.987 khẩu và 7 dân tộc cùng sinh sống; hộ nghèo chiếm 54% dân số. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao là do trình độ dân trí không đồng đều, người dân thiếu vốn đầu tư, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Do đó, tiến độ triển khai thực hiện các nhóm CIG còn chậm và mất nhiều thời gian. Qua thực tế, Ban quản lý Chương trình CPRP của xã đã đúc rút bài học là nâng cao năng lực cho người dân và các tổ, nhóm ở ngay trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt và có sự đan xen giữa hộ trung bình, khá với hộ nghèo, cận nghèo. Hơn nữa, đối với phương pháp tiếp cận giảm nghèo, người dân cần tự làm chủ mới có ý thức, trách nhiệm hơn. Riêng nhóm CIG trồng keo, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản đã liên kết, tiêu thụ sản phẩm và phát triển vùng nguyên liệu với người dân - Chủ tịch UBND xã Thượng Bình, Bàn Văn Minh khẳng định.
Bài, ảnh: MỘC LAN