Nhân rộng những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn của phụ nữ
Nhờ sự vào cuộc tích cực của hội phụ nữ các cấp, nhận thức của hội viên, phụ nữ về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thời gian gần đây được cải thiện rõ rệt.
Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh, ra đời vào cuối năm 2018 với 20 thành viên tham gia sản xuất 7 ha rau liệt. Đây là mô hình sản xuất an toàn thực phẩm do Hội LHPN tỉnh tư vấn hỗ trợ thành lập. Theo chị Trần Thị Thu Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã Gio An, từ khi tham HTX, chị em thành viên yên tâm sản xuất hơn vì không còn phải lo bị tư thương ép giá, vị thế rau liệt Gio An ngày càng được nâng cao trên thị trường. Sau khi được các cấp hội phụ nữ và tổ chức KOIKA hỗ trợ tập huấn kiến thức về sản xuất an toàn thực phẩm cũng như năng lực điều hành HTX, các thành viên đã đồng lòng, đồng sức canh tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ thương hiệu loại rau sạch đặc trưng ở miền giếng cổ Gio An. Khác với cách trồng rau trước đây là sau mỗi lần cắt người dân thường để nguyên gốc đợi cây mọc mầm trở lại rồi thu hoạch tiếp, nay cứ sau một lần thu hoạch, thành viên HTX chịu khó nhỏ toàn bộ gốc rau già để trồng lại rau mới. Dù cách làm này mất nhiều thời gian, công sức nhưng đổi lại chất lượng và sản lượng rau tăng nên thu nhập người trồng rau trong HTX tăng lên đáng kể.
Ngoài HTX nông sản an toàn Hảo Sơn, Hội LHPN tỉnh đã tư vấn hỗ trợ, nâng cấp xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã kinh doanh, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn có hiệu quả, điển hình như: HTX nông sản sạch Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh), HTX gà Triệu Thượng và HTX gạo sạch Triệu Phong (huyện Triệu Phong); HTX nông sản Hướng Tân (huyện Hướng Hóa); mô hình trồng nghệ ở huyện Vĩnh Linh và mô hình trồng cây dong riềng ở huyện Gio Linh. Hội LHPN các huyện cũng đã xây dựng và mở rộng 18 mô hình kinh tế có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất như: Hội LHPN huyện Gio Linh với mô hình trồng 15 ha cây dong riềng tại các xã vùng tây địa phương; Hội LHPN huyện Cam Lộ với mô hình trồng cây chè vằng ở xã Cam Chính và xã Cam Nghĩa; Hội LHPN thị xã Quảng Trị với các mô hình như: Sản xuất bún ở Phường 1, trồng sả tại xã Hải Lệ; Hội LHPN huyện Triệu Phong có các mô hình sản xuất sạch như: Sản xuất bột ngũ cốc ở thị trấn Ái Tử; chăn nuôi lợn thịt và lợn nái tại xã Triệu An; trồng nấm tại xã Triệu Hòa; Hội LHPN huyện Vĩnh Linh có các mô hình như: Trồng nghệ tại các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Ô; trồng lạc ở xã Vĩnh Thái...
Song song với các hoạt động xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, Hội LHPN các cấp trong tỉnh còn đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác, mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn của hội viên phụ nữ thông qua các hội nghị kết nối cung cầu - tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình do phụ nữ sản xuất với các chủ đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm của các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế”... Xây dựng mô hình kết nối cung - cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với 3 mô hình thí điểm: Xây dựng điểm bán hàng cố định; xây dựng mạng lưới bán hàng online, tổ chức phiên chợ nông sản an toàn.
Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và vận hành 3 gian hàng trưng bày, giới thiệu thực phẩm sạch của các mô hình HTX, tổ hợp tác và mô hình kinh tế giỏi của hội viên tại các huyện: Vĩnh Linh, Cam Lộ và Đakrông; xây dựng 20 trang facebook chuyên đề giới thiệu sản phẩm an toàn... Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, đàm phán, giới thiệu sản phẩm trên facebook, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp để nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm cho hội viên. Hội cũng chủ động tìm nguồn tài trợ, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...
Theo bà Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong thời gian tới, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, truyền thông về an toàn thực phẩm cho cán bộ hội cơ sở, hộ phụ nữ sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, hội cũng sẽ xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”. Rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình “Phụ nữ tiểu thương văn minh, lịch sự, nói không với thực phẩm bẩn”. Đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch do hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh dưới các hình thức phù hợp. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn của các mô hình do hội phụ nữ thực hiện. Nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch an toàn có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về an toàn thực phẩm tại cơ sở.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146959