Nhân rộng những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng
Gần 2 năm qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động chương trình '1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19'. Những sáng kiến sáng tạo của người lao động cả nước đem về giá trị làm lợi nhiều tỉ đồng cho doanh nghiệp và ý nghĩa thiết thực khi triển khai trong cộng đồng.
Chương trình được xác định là nội dung trọng tâm thi đua chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028 sẽ diễn ra từ ngày 1- 3/12 tới đây.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đông làm việc tại công ty TNHH LG Innotek Việt Nam có trụ sở ở thành phố Hải Phòng thường bắt đầu ngày mới làm việc tại dây chuyền chuyển đổi lô hàng. Để rút ngắn được thời gian dừng máy khi chuyển đổi lô hàng, kỹ sư Nguyễn Văn Đông và các đồng nghiệp đã cân nhắc đến việc đưa lô hàng mới vào kiểm tra sớm hơn, ngay khi lô hàng cũ còn khoảng 10 sản phẩm nữa mới hoàn thiện việc kiểm tra. Theo đó, công nhân thao tác sẽ căn cứ vào cảnh báo trên màn hình máy tính để đưa lô hàng vào sớm hơn và máy chủ cần dừng ở phút 1,35 thay vì 6 phút như trước để lấy toàn bộ lô hàng cũ ra ngoài sau khi việc kiểm tra đã hoàn thành. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh và các đồng nghiệp làm lợi hơn 76 tỷ đồng sau 4 tháng rưỡi áp dụng, triển khai.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đông cho biết: “Trước khi áp dụng cải tiến này thì một thiết bị up/down của bọn em sẽ phải dừng khoảng 42 phút/ngày cho việc thay LOT, sản lượng của 1 máy chỉ đạt 2.800 sản phẩm/giờ. Sau khi áp dụng ý tưởng cải tiến vào thì thời gian dừng máy cho việc thay LOT giảm xuống chỉ cần hơn 20 phút thôi. Với thời gian thêm 20 phút chạy máy ấy, bên em đã tăng được 100 sản phẩm/ngày/ máy, ứng với tăng khoảng 3% sản lượng/máy/ngày”.
Còn sáng kiến của kỹ sư Ngô Văn Quốc, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam giúp “Tối ưu nguồn khí bypass V-101A khi tiếp nhận nguồn khí Nam Côn Sơn 2 để gia tăng hiệu quả sản xuất của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố” giúp làm lợi 292 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm phần giá trị làm lợi từ việc gia tăng doanh thu khí khoảng 523 tỷ đồng ước tính trên lượng khí khô gia tăng cung cấp cho khách hàng 67,4 triệu Sm3. Sáng kiến này đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2023.
“Tổng lượng khí về bờ lúc này là 10,6 triệu m3/ngày đêm dẫn tới việc chúng tôi phải thực hiện bypass hết một nửa công suất nhà máy, không được thu hồi nguồn sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao như LPG và Condensate. Từ thực tiễn ấy nhóm tác giả đã ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp nào mà mình bypass nguồn khí ít có sản phẩm giá trị cao này thì từ đó nhóm chúng em đã đưa ra giải pháp là mình chỉ đưa thành phần khí có chất lượng, ít sản phẩm có giá trị cao cho khách hàng để mình tối đa thu hồi sản phẩm LPG và Condensate”, ông Ngô Văn Quốc cho hay.
Các sáng kiến của người lao động không chỉ mang lại giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp mà còn đem lại giá trị thiết thực hiệu quả khi triển khai trong cuộc sống. Đơn cử như sáng kiến “Mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại Trạm Y tế” của chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) - Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình.
“Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền nổi tiếng nhất trên thế giới nên không thể chữa khỏi được. Việc khám xét nghiệm bệnh này đang thực hiện tại bệnh viện Huyết học truyền máu TW, bệnh viện Nhi TW. Vậy làm sao để các cháu bé ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận được dịch vụ này? Khi chúng ta làm chương trình này tại Hòa Bình, trong giai đoạn 2021 – 2023 chúng tôi phát hiện ra hơn 300 cháu mang gen bệnh đồng nghĩa với việc chúng tôi đã phòng bệnh cho rất nhiều người không bị bệnh nặng này nữa”, chị Nguyễn Thị Hiền nói.
Gần 2 năm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đã có hơn 2 triệu 409.000 sáng kiến của cán bộ công nhân viên chức lao động toàn quốc với giá trị làm lợi hơn 33.000 tỷ đồng. Các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực công tác có giá trị làm lợi cao, tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống và môi trường làm việc. Nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục, sáng tạo công cụ, dụng cụ học tập, xây dựng phương pháp dạy và học tiên tiến; sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sáng kiến vì cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch hiệu quả; sáng kiến giải pháp góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng, không chỉ là hiệu quả làm lợi cho DN ghi nhận những cá nhân tạo ra sáng kiến đó mà còn là thành quả chung cho đơn vị và cho xã hội chúng ta. Chúng tôi mong muốn các cấp công đoàn hãy tạo nhiều cơ hội hơn để những người có sáng kiến trong thời gian vừa qua được gặp gỡ với nhau, cùng nhau trao đổi về suy nghĩ làm sáng kiến và có nhiều người hơn tham gia sáng kiến. Sáng kiến cải tiến với người lao động trở thành một nhiệm vụ của người lao động, bất cứ làm ở khâu nào người lao động đều có thể có sáng kiến nhưng cái hay là doanh nghiệp ấy tổ chức để những lao động khác học cách tạo ra sáng kiến”.
Các sáng kiến đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của lao động Việt Nam kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc, góp phần quan trọng vào việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.