Nhan sắc - một lợi thế lớn trong nghề tình báo

Một số người khẳng định rằng tình báo không phải là công việc của phụ nữ, mà là một nghề hoàn toàn của nam giới, nó đòi hỏi sự điềm tĩnh, sức chịu đựng, lòng dũng cảm và sự mạo hiểm lớn để đạt được mục đích. Tuy nhiên, đã có nhiều cơ quan tình báo trên thế giới sử dụng phụ nữ trong công việc của mình. Phụ nữ làm tình báo cần am hiểu tâm lý học, biết tự chủ và thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng quan trọng nhất là phải xinh đẹp, hấp dẫn và sẵn sàng quyến rũ đàn ông.

Không phải công việc của phụ nữ

Nhiều năm liền, ở Liên Xô đã diễn ra những cuộc tranh luận về việc phụ nữ có thể trở thành điệp viên được không. Nhiều người cho rằng tình báo không phải là công việc của phụ nữ, nghề này đòi hỏi những phẩm chất hoàn toàn đàn ông - tính tự chủ và sự sẵn sàng mạo hiểm.

Nữ điệp viên - tiến sĩ triết học Elena Zarubina.

Nữ điệp viên - tiến sĩ triết học Elena Zarubina.

Ví dụ, nhà tình báo huyền thoại Richard Sorge từng nói rằng phụ nữ không phù hợp với hoạt động tình báo. “Phụ nữ kém hiểu biết về các vấn đề chính trị hoặc quân sự đỉnh cao. Ngay cả khi bạn nhờ họ theo dõi chồng mình, họ cũng không thực sự hình dung được những ông chồng của họ nói gì. Họ rất dễ xúc động, đa cảm và thiếu thực tế” - ông nói.

Phụ nữ có nhiều nhược điểm. Họ hiếm khi làm chủ cảm xúc của mình và thường chỉ thích giao tiếp với những người ý hợp tâm đầu. Trong khi đó, một điệp viên ngầm phải luôn luôn tự chủ và biết nói chuyện với tất cả mọi người.

Nữ điệp viên Liên Xô Galina Fyodorova nhận xét rằng phụ nữ vốn nhạy cảm, mong manh, dễ bị tổn thương, họ gắn bó với gia đình, bếp lửa hơn so với đàn ông, họ cũng hoài niệm nhiều hơn. Nhưng theo Galina Fyodorova, đối với người phụ nữ, những nhược điểm nhỏ này lại có tác dụng như những đòn bẩy mạnh mẽ trong lĩnh vực quan hệ con người.

Nhiều cơ quan tình báo trên thế giới sẵn sàng sử dụng phụ nữ làm điệp viên. Ví dụ, ở Anh, hơn 40% nhân viên của Cục Tình báo mật MI6 và cơ quan phản gián MI5 là phụ nữ. Nhiều thập kỷ qua, "Điệp viên thanh lịch" đã biện minh cho sự tin tưởng của Hoàng gia Anh.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng tích cực thu hút phụ nữ phục vụ trong cơ quan tình báo đối ngoại. Nữ điệp viên Galina Fyodorova đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thác các tài liệu mật của Lầu Năm Góc và NATO. Năm 1989, trong một bài trả lời phỏng vấn, chủ tịch KGB Liên Xô Vladimir Kryuchkov cho biết có 14% phụ nữ làm việc cho KGB.

Nữ điệp Liên Xô Galina Fyodorova.

Nữ điệp Liên Xô Galina Fyodorova.

Yêu cầu ngày càng cao

KGB đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các nữ nhân viên của mình, đặc biệt là khả năng kiềm chế và tâm lý chịu đựng, bởi các nữ điệp viên phải sống xa tổ quốc trong một thời gian dài. Tài năng toàn diện, sự uyên bác và trí thông minh là những ưu điểm khi tuyển chọn vào biên chế của các cơ quan an ninh quốc gia. Trong số các nữ điệp viên KGB làm việc ở nước ngoài có tiến sĩ triết học Elena Zarubina và Zoya Rybkina-nhà văn thiếu nhi nổi tiếng ở Liên Xô với bút danh Zoya Voskresenskaya, bà từng đoạt giải thưởng Nhà nước.

Trong các cơ quan an ninh quốc gia của Liên Xô, các đại diện phái đẹp chủ yếu làm công việc phân tích thông tin tình báo, một số phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo. Ví dụ, vào những năm 1980, đại tá Galina Smirnova đứng đầu một trong các đơn vị của KGB. Nhưng theo cựu chủ tịch KGB Liên Xô Kryuchkov, trong hàng ngũ KGB không có nữ điều tra viên. "Đó là công việc quá khó khăn" - ông nói. Lương trung bình của các nữ điệp viên Liên Xô khoảng 300-350 rúp.

Một lần, khi các nhà báo hỏi liệu các cơ quan an ninh Liên Xô có sử dụng gái mại dâm cung cấp thông tin không, chủ tịch KGB Kryuchkov trả lời lấp lửng: "KGB có nhiều nguồn cán bộ tin cậy hơn".

Các cơ quan tình báo Liên Xô chủ yếu chọn các cô gái xinh đẹp, hấp dẫn. Năng lực của họ được đánh giá bởi một ủy ban đặc biệt. Những người đẹp học kỹ năng do thám, làm quen với các tiến bộ kỹ thuật và tiếp thu những kiến thức chuyên sâu về tâm lý đàn ông.

Nhà văn thiếu nhi Zoya Voskresenskaya-Rybkina.

Nhà văn thiếu nhi Zoya Voskresenskaya-Rybkina.

Trước hết là tài năng nghệ thuật

Phụ nữ đến với các cơ quan tình báo theo những con đường khác nhau, nhưng không con đường nào là ngẫu nhiên. Công tác tuyển chọn phụ nữ vào các cơ quan tình báo được thực hiện hết sức cẩn thận. Một sĩ quan tình báo mật không những phải có trình độ chuyên môn xuất sắc và giỏi ngoại ngữ mà còn phải nắm vững nghệ thuật diễn xuất, nghĩa là có tài năng nghệ thuật.

Ví dụ nổi bật nhất về một điệp viên như vậy là nữ diễn viên Olga Chekhova. Từ năm 1932, bà sống ở Đức và làm việc cho Cục Phản gián thuộc Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô. Chekhova đã trở thành tình nhân của Thống chế Đế chế Hermann Goering, ngoài ra, bà còn có rất nhiều người hâm mộ trong giới lãnh đạo chóp bu Đức Quốc xã, những kẻ cung cấp cho bà thông tin về kế hoạch của Quốc trưởng. Thậm chí trong số những người tình cờ đưa tin cho nữ diễn viên còn có Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đệ tam Đế chế Joseph Goebbels.

Nữ điệp viên Liên Xô Irina Alimova không phải là diễn viên, nhưng theo ý kiến của những người xung quanh, bà hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao điện ảnh. Với tài năng diễn xuất của mình, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tình báo ở Nhật Bản, trở thành người kế tục xứng đáng của Richard Sorge. Cả nước Nhật biết bức ảnh Alimova chụp với phu nhân hoàng đế của Đất nước mặt trời mọc. Irina Alimova đã nhận được những thông tin vô cùng giá trị về các căn cứ quân sự và công sự ven biển của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Đại tá Galina Smirnova.

Đại tá Galina Smirnova.

“Những cánh én đêm”

Trên truyền hình Nga nhiều lần xuất hiện thông tin về một đơn vị phản gián của Liên Xô được gọi là "Những cánh én đêm" - chính họ là những nữ điệp viên xinh đẹp chuyên phục vụ khách ngoại quốc.

Ông Vasily Kartuzov, cựu đại tá thuộc Tổng cục II của KGB, xác nhận sự thật này. Theo ông, “Những cánh én đêm” là “mạng lưới điệp viên của Tổng cục II nhằm mục đích tuyển mộ những người nước ngoài mà cơ quan chúng tôi quan tâm”.

Cựu sĩ quan tình báo kể về trường hợp xảy ra tại một cuộc bán đấu giá các sản phẩm lông thú ở Leningrad, khi nữ điệp viên tên là Shevich làm quen với một triệu phú Mỹ nhằm mục đích quyến rũ ông ta. Tuy nhiên, sau đó, nhà triệu phú và nữ điệp viên đã kết bạn với nhau, và ít lâu sau, Shevic bỏ chạy sang Mỹ cùng với ý trung nhân của mình.

Nhiều khách sạn lớn của Liên Xô đều có những phòng đặc biệt gắn thiết bị nghe lén và quay video thuộc sở hữu của KGB. Những khách hàng “cắn câu” được xem tài liệu ghi âm và buộc phải hợp tác.

Nữ điệp viên Irina Alimova.

Nữ điệp viên Irina Alimova.

Mặc dù xây dựng được một mạng lưới gián điệp ổn định, nhưng ở Liên Xô không có “dịch vụ tươi mát” - luật pháp không cho phép. Nhưng ở Đức thì có. Tại thành phố Frankfurt am Main của CHLB Đức, các cơ quan tình báo Liên Xô đã mở một phòng khách đặc biệt, nơi các sĩ quan NATO đến để thư giãn và nghỉ ngơi. Thông tin thu được ngay lập tức được chuyển đến CHDC Đức, và sau đó là Liên Xô.

Tuy nhiên, nhiều khi những thông tin bất lợi lại không ảnh hưởng đến người mà các điệp viên KGB muốn tuyển mộ. Điều này đã xảy với Tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno trong một lần ông đến thăm Liên Xô.

Nhân viên điều hành – nghề quan trọng

Năm 1979, theo lệnh của chủ tịch KGB Yury Andropov, bộ máy nghe lén đã được tổ chức lại ở Liên Xô. Các thiết bị nghe lén được cài đặt ở nhiều nơi, kể cả trong các đại sứ quán, để chộp bắt các cuộc trò chuyện của các nhà ngoại giao nước ngoài.

Ngoài thưởng thức nghệ thuật, nhiều người đến rạp còn có những mục đích khác.

Ngoài thưởng thức nghệ thuật, nhiều người đến rạp còn có những mục đích khác.

Các nhân viên điều hành làm việc tại các điểm nghe lén hầu hết là phụ nữ. Họ ghi lại các cuộc hội thoại trên máy ghi âm và viết tốc ký. Nhưng không phải nhân viên nào cũng có thể đảm đương được nhiệm vụ này, bởi vì mỗi người phải có khả năng nhận ra 50 giọng nói khác nhau. Vào thời điểm Liên Xô tan rã, có gần 900 nhân viên như vậy làm việc ở Moscow, và khoảng 400 ở Leningrad.

Trong cuốn sách “The Red Web”, tác giả kể về một nhân viên điều hành tên là Lyubov. Năm 1984, Lyubov tốt nghiệp chuyên ngành địa lý kinh tế, khoa Địa lý của Đại học Quốc gia Moscow. Cô nói thành thạo tiếng Bồ Đào Nha, nhờ vậy được vào làm việc ở KGB để nghe lén các chính trị gia Angola. Cựu điệp viên kể rằng trong cuộc chính biến tháng 8/1991 ở Nga, cô đã nghe lén Vitaly Urazhtsev, một trong những cộng sự của Boris Yeltsin.

Trần Đình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhan-sac-mot-loi-the-lon-trong-nghe-tinh-bao-i701911/