Nhân sự được lựa chọn tham gia cấp ủy khóa tới phải thật sự 'liêm chính'

Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 42-CT/TW nhằm tăng cường công tác giáo dục 'cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư', góp phần phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Việc đổi mới phương pháp giáo dục càng quan trọng trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIV.

"Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên. Ngay khi đào tạo những "hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam, vào những năm 1925-1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt bài học về tư cách của một người cách mạng lên trước. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" Người nêu rõ 23 điều chuẩn mực, chủ yếu là về lĩnh vực đạo đức. Theo đó, người cán bộ, đảng viên tự mình phải cần kiệm, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất.

GS.TS Mạch Quang Thắng, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đường Kách mệnh chỉ ra những vấn đề rất cơ bản của cách mạng Việt Nam, của con đường đi tới cách mạng Việt Nam. Tư cách của những người cán bộ thể hiện tư cách người cách mệnh. Trang đầu tiên của cuốn Đường Kách mệnh viết về 23 điều tư cách của một người cách mệnh, về vai trò quan trọng của lý luận cách mạng..."

Phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Người cho rằng: "Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Người cũng chỉ rõ: "có quyền mà không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân". Cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là chuẩn mực đạo đức cần phải có của con người, mà còn là tiêu chí xác định "chất người"."

Hơn 95 năm qua, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Tuy nhiên, từ bài học hàng loạt cán bộ bị kỷ luật thời gian qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Chính bởi vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 42- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong đó nêu rõ: "Đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để "không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực" đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để "không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; Xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để "không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"; Nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để "không cần tham nhũng, tiêu cực".

Thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính" cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự: Tâm huyết, trách nhiệm, mẫn cán, tận tụy với công việc được giao; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; trọng liêm sỉ, danh dự; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bởi lẽ như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".

Đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" cũng cần đặt ra phù hợp với từng đối tượng. Cần đưa nội dung đạo đức cách mạng, "cần, kiệm, liêm, chính" thành một trong những chương trình chính trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

GS Trần Ngọc Đường

GS Trần Ngọc Đường

Đưa giáo dục, học tập và thực hành "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" thành chuyên đề sinh hoạt bắt buộc của các chi bộ, là nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy định kỳ và là tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi đang diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nhân sự được lựa chọn tham gia cấp ủy khóa tới phải là những người tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thật sự liêm chính.

GS.TS Trần Ngọc Đường nói: "Một trong những tiêu chí để chọn cấp ủy, chọn những người lãnh đạo tham gia vào các cấp ủy các cấp thì tiêu chí hết sức quan trọng là phải "liêm chính". Không "liêm chính" thì cương quyết không đưa vào cấp ủy. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về đạo đức, tư cách, phẩm chất của người được lựa chọn tham gia vào cấp ủy trong nhiệm kỳ tới. Ngoài những tiêu chí về phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ thì phải coi trọng phẩm chất về "liêm chính"."

Hơn 95 năm qua, tư tưởng về xây dựng phẩm chất của người cán bộ đảng viên "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi rọi cho Đảng ta, cho cán bộ, đảng viên phẩm chất tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Hiện nay, những yêu cầu của Chỉ thị 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" càng đặt ra quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Lại Hoa/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nhan-su-duoc-lua-chon-tham-gia-cap-uy-khoa-toi-phai-that-su-liem-chinh-post1156757.vov