Nhân sự giảm gần một nửa, Nhựa Đông Á vẫn lỗ kỷ lục
Tính tới cuối năm 2023, số lượng nhân sự của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á giảm gần 50% so với đầu năm còn 150 người. Cả năm, công ty lỗ ròng 257 tỷ đồng, đậm nhất từ trước đến nay.
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giới thiệu, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á được thành lập vào ngày 14/11/2006 và có địa chỉ trụ sở chính tại lô 1-CN5-Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Công ty đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) với mã chứng khoán là DAG.
Nhựa Đông Á hiện đang sở hữu 3 nhà máy tại Hà Nội, Hà Nam và TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sản phẩm từ plastic. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đường Ngọc Diệu. Tại cuối năm 2023, Nhựa Đông Á có vốn điều lệ là hơn 603 tỷ đồng.
Doanh thu thụt lùi, lỗ ròng hơn 257 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được công bố cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã: DAG) ghi nhận doanh thu thuần gần 31 tỷ đồng, giảm sâu 94% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 93% so với cùng kỳ, về còn hơn 32 tỷ đồng, qua đó, kéo giảm lợi nhuận gộp âm hơn 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng. Đáng nói, trên báo cáo tài chính riêng, Nhựa Đông Á gần như trắng doanh thu trong quý IV/2023.
Trong kỳ, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm mạnh, ở mức lần lượt là 31%, 64% và 44,2%. Sau khi khấu trừ thuế, phí, Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 66 triệu đồng.
Theo giải trình, Nhựa Đông Á cho biết, doanh thu của công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do tình hình kinh tế trong nước nói chung và thị trường các dự án bất động sản nói riêng khó khăn, giảm sút mạnh, làm cho Nhựa Đông Á và các công ty thành viên chuyên phân phối các sản phẩm về nhựa phục vụ trong lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, các chi phí phục vụ vận hành các nhà máy, chi phí quản lý kinh doanh, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và công ty thành viên vẫn phải chi trả dẫn đến lỗ ròng hơn 22 tỷ đồng trong quý 4.
Ngoài ra, Nhựa Đông Á cũng cho biết thêm, toàn bộ tập đoàn đang phải gồng lỗ để duy trì cũng như đưa ra các phương án như cơ cấu, giảm biên chế, mở rộng tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, đại lý để gia tăng, tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động liên tục.
Tính chung cả năm 2023, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.204 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Nhựa Đông Á lỗ gộp 65 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2023 tăng vọt, ghi nhận hơn 114 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm trước (28,9 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do công ty trích lập 88 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, năm trước không phát sinh.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng hơn 8,6 tỷ đồng, giảm 6,5% so với năm trước. Trong đó, theo thuyết minh, chi phí nhân viên bán hàng năm 2023 được cắt giảm hoàn toàn, trong khi năm trước ghi nhận hơn 2,4 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2023, số lượng nhân sự của Nhựa Đông Á giảm đáng kể, từ 290 nhân viên hồi đầu năm giảm xuống còn 150 nhân viên.
Kết quả, Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế hơn 257 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm trước lãi hơn 7,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đậm nhất từ trước đến nay của công ty.
"Gánh đủ combo" cắt margin và truy thu thuế
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm cuối năm 2023, Nhựa Đông Á ghi nhận tổng tài sản đạt gần 2.175 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức 1.401 tỷ đồng và tài sản dài hạn 773 tỷ đồng.
Theo đó, hàng tồn kho ghi nhận 856 tỷ đồng (đã trích lập 34 tỷ đồng dự phòng), giảm 12% so với đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang còn gần 39 tỷ đồng, giảm 34% so với hồi đầu năm. Công ty cũng không còn nắm giữ các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn (ngắn hạn và dài hạn) là tiền gửi và trái phiếu, trong khi giá trị ghi nhận đầu năm lần lượt là hơn 97 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Nhựa Đông Á tại ngày 31/12/2023 là gần 1.745 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ở mức 1.278 tỷ đồng, tăng 6%. Vốn chủ sở hữu của Nhựa Đông Á tại cuối năm 2023 ở mức hơn 429 tỷ đồng. Công ty còn khoản lỗ sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 là 238 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á vẫn trong diện bị kiểm soát. Trước đó, ngày 2/11/2023, HoSE đã có văn bản về việc chuyển cổ phiếu DAG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán .
Về biện pháp khắc phục tình trạng trên, Nhựa Đông Á cho biết sau khi chấn chỉnh công tác công bố thông tin, công ty đã công bố và nộp báo cáo tài chính quý IV/2023 đúng hạn vào ngày 30/1/2024; đồng thời, công ty cũng lưu ý các phòng, ban tuân thủ các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, ngày 16/8/2023, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế TP Hà Nội liên quan đến vi phạm kê khai thiếu doanh thu và thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng kỳ trước sai quy định; hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp vượt mức, không đúng thời điểm.
Theo đó, tổng số tiền Nhựa Đông Á bị xử phạt, truy thu và tiền chậm nộp thuế là hơn 1,1 tỷ đồng. Được biết, Nhựa Đông Á nhận quyết định xử phạt chỉ ngay sau khi HoSE thông báo về việc đưa cổ phiếu DAG vào diện cảnh báo do công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm (tính theo dương lịch) vào ngày 9/8/2023. Nguyên nhân là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính quý II/2023.
Ngay sau đó, hơn 60,3 triệu cổ phiếu DAG cũng được HoSE bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).