Nhân sự ngành dệt may đối mặt nguy cơ thất nghiệp cao
Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong Quý 3/2020. Theo đó, ngành dệt may giảm sâu nhu cầu tuyển dụng, nhân sự đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao ngay cả khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Do là ngành bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ hai vào tháng 8, đa số các doanh nghiệp dệt may giảm đáng kể về nhu cầu tuyển dụng. Sự sụt giảm này là do sức mua của các khách hàng ngành dệt may tại châu Âu, Mỹ và các thị trường khác giảm. Bên cạnh đó, kể từ tháng 2/2020 đến đầu tháng 10/2020, nhiều doanh nghiệp trong ngành này thay đổi mặt hàng sản xuất, chuyển đổi từ may quần áo sang may khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế.
Nhân sự ngành này trong quý 3 cũng phải đối mặt với những khó khăn như giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm lương tại các công ty có quy mô lớn. Các công ty có quy mô nhỏ áp dụng việc cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự. Một số trường hợp cá biệt phải đóng cửa không hoạt động trong một thời gian.
Các ứng viên trong ngành này đang phải đối mặt với những thử thách về sự an toàn công việc khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Khả năng tìm công việc mới sẽ khó, và còn khó hơn khi tìm được các công việc mới mà không bị giảm lương so với mức lương hiện tại.
Tương tự, một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực: Bangladesh, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.
Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Nếu năm 2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới, thì hiện nay trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 đến 4 tuần làm việc, và ghi nhận chỉ có ba phần năm số đồng nghiệp của mình được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong quý II năm 2020”.