Nhân thêm những giá trị xanh

Những câu lạc bộ nói không với đồ nhựa dùng một lần, sản xuất đồ dùng sinh hoạt bằng vật liệu mây, tre đan, túi hữu cơ thân thiện với môi trường hay những cựu chiến binh 'ham' tái chế rác thải nhựa... đã nhân lên cho cuộc sống cộng đồng những giá trị xanh…

Những “chiến binh” thầm lặng

Cô gái Tày 8X Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) tỏ ra hào hứng khi kể về cơ duyên đến với nghề mây, tre đan. Chị bảo, trước chị làm việc này ai cũng ái ngại bởi người ta nghĩ thành lập HTX phải làm những dự án đồ sộ, đằng này chị lại gom những vật dụng tre nứa, mây, guột làm ra sản phẩm “Made in Khuôn Hà”. Thế mà chị làm được, người ta ví chị như “chiến binh” thầm lặng bảo vệ môi trường xanh.

Mới thành lập, HTX như một tổ tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; các sản phẩm của HTX sản xuất ra bán thì ít mà phát miễn phí cho người dân thì nhiều. Dân bản cho rằng đám trẻ làm việc “bao đồng”, cứ vậy đến cả nửa năm họ chuyên cần cùng Hội Phụ nữ xã vận động từng hộ, từng người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa với môi trường. Phong trào “Phụ nữ đi chợ bằng làn, nói không với rác thải nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy” do Hội Phụ nữ xã phát động lan tỏa mạnh mẽ. Trước chỉ khoảng 30% chị em trong xã dùng làn bằng mây, tre đan thì nay 80% mang theo khi đi chợ. Chị Thảo bảo, thu nhập của các thành viên giờ là hơn 4 triệu đồng/người/tháng, đây là nỗ lực ban đầu của HTX. Thời gian tới, cùng với việc cải tiến mẫu mã sản phẩm, chị sẽ tìm kiếm thị trường tại Hà Nội, một số khu du lịch trong tỉnh và các khu homestay để giới thiệu đến khách du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Huyện đoàn Chiêm Hóa tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên sử dụng đồ dùng,vật liệu bằng mây, tre đan thay thế vật liệu nhựa. Ảnh: Lê Duy

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vệ sinh môi trường, Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) vẫn đầy quyết tâm với nghề. Những tưởng ban đầu gắn kết với dịch vụ vận tải đơn thuần, qua nhiều địa phương, ông nhận ra thực trạng môi trường với cuộc sống nông thôn ngày nay cần được cải thiện. Nghĩ là làm, HTX đầu tư mua các trang thiết bị, phương tiện thu gom rác thải ở các khu dân cư để phân loại và xử lý. Hàng ngày, 4 ô tô chuyên dụng của HTX chở hơn 30 tấn rác về lò đốt công nghệ cao của HTX để phân loại tiêu hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường. HTX còn đầu tư dây chuyền tái chế nhựa, mỗi tháng sản xuất được trên 100 tấn hạt nhựa bán lại cho doanh nghiệp dưới xuôi và hai dây chuyền giặt bao tải, công suất 2.400 bao tải/ngày; dây chuyền sản xuất giấy từ phế liệu, công suất 1 tấn bột giấy/ngày. Nhờ có nhiều sáng kiến, mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ cao vào phân loại, tái chế rác thải mà tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt trên 11 tỷ đồng. Bởi có sự nỗ lực vươn lên mà nhiều năm qua, HTX đã được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và bộ, ngành Trung ương. Đây cũng là HTX duy nhất ở Tuyên Quang lọt vào top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Mới đây, HTX tiếp tục lọt vào top 10 thương hiệu mạnh quốc gia, cờ môi trường xanh quốc gia.

Về thôn Thôm Bưa, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) nghe người già, trẻ nhỏ nói về Câu lạc bộ “Phòng chống rác thải nhựa” thật sôi nổi, rộn rã. Bởi chẳng khi nào phong trào làm sạch môi trường ở nông thôn vùng cao này lại nhộn nhịp đến vậy. Thành lập từ tháng 8-2019, 83 thành viên trong câu lạc bộ là cốt cán trong tuyên truyền, vận động từng hộ, người thân không dùng đồ nhựa sử dụng 1 lần, nói không với túi nilon. Ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, các chị thu gom rác thải trong thôn và một số thôn lân cận. Sáng kiến dùng chai nhựa xây bồn hoa, dùng lốp ô tô làm xích đu cho trẻ nhỏ cũng được các chị hào hứng thực hiện. Toàn bộ nilon thu gom được cho vào chai nhựa cùng cát, các chị dùng những chai nhựa này thay gạch làm bồn hoa cho nhà văn hóa và các trường học trên địa bàn xã. Lốp ô tô, lốp xe máy được 2 cơ sở cơ khí trên địa bàn thôn gia công miễn phí thành xích đu cho các điểm trường mầm non trên địa bàn xã. Bà Quan Thị Như, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Mỹ nhấn mạnh, đây là mô hình đầu tiên mà xã triển khai đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của đông đảo người dân, góp phần thay đổi hành vi của mỗi người trong bảo vệ môi trường sinh thái.

Xây dựng từ ý thức

“Đề nghị quý khách tham quan tại các khu di tích để rác đúng nơi quy định. Ban Quản lý đã bố trí bình nước tại địa điểm tham quan, trân trọng kính mời quý khách”. Đó là lời kêu gọi du khách của Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Sơn Dương) không sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi tham quan tại các điểm di tích, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây là điều mà các đơn vị làm du lịch trong tỉnh đang hướng tới.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nhiều năm qua, Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào đã triển khai nhiều hoạt động giữ gìn môi trường du lịch xanh, trong đó trọng tâm là kêu gọi du khách không dùng đồ nhựa một lần. Ông Viên Ngọc Tân, Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết, tại các điểm di tích, Ban đã bố trí thùng rác di động để Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang tại Sơn Dương thu gom theo quy định. Ban Quản lý cũng tuyên truyền để các hộ bán hàng dịch vụ trong khu du lịch dần thay thế túi nilon, cốc nhựa sử dụng 1 lần, ống hút nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường.

Tại đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đơn vị bố trí bình đựng nước sử dụng nhiều lần, cốc đựng nước bằng thủy tinh để khách du lịch hạn chế sử dụng chai nước vỏ nhựa mang theo. Trung bình mỗi năm, Ban Quản lý đón khoảng trên 700 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 250 khách nước ngoài. Chị Chu Thị Huyền Trang, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên du khách về đây tham quan đã để rác đúng nơi quy định, không mang theo nước uống đóng chai dùng một lần vì các điểm du lịch đã có nước uống.

Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Năm Sao (Hà Nội) hiện đang khai thác các tour du lịch homestay tại Bản Bon, xã Phúc Yên và Nậm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, chỉ cách đây vài năm, khi bắt đầu đưa các tour du lịch cộng đồng vào khai thác, đơn vị gặp khó khăn do ý thức người dân vẫn coi nhẹ việc xử lý rác thải, rác vứt quanh nhà, đặc biệt là túi nilon và chai nhựa. Cuối năm 2017, đơn vị phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về sự nguy hại của rác thải nhựa đến môi trường, đặc biệt là các khu du lịch cộng đồng, khẩu hiệu “Muốn có khách thì nhà phải sạch” được nhân lên mỗi ngày.

Trong các thôn dành riêng một khu để thu gom rác thải, người dân đã biết sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên như làn mây, túi hữu cơ thay thế cho túi nilon, các vật liệu khó phân hủy. Chị Chẩu Thị Lẹn, thôn Nậm Đíp, xã Lăng Can chia sẻ, gia đình làm dịch vụ homestay, trước đây gần như mọi hoạt động đều sử dụng túi nilon và chai nhựa nhưng từ ngày tham gia làm dịch vụ du lịch, các thành viên trong gia đình đều nâng cao ý thức nói không với rác thải nhựa, túi nilon, chai nhựa.

Trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh, phong trào nói không với rác thải nhựa, túi nilon đã bắt đầu chuyển biến bằng hành động, việc làm cụ thể. Đó là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mang lại cho cộng đồng những giá trị xanh bền vững.

Ghi chép: Thùy Linh - Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nhan-them-nhung-gia-tri-xanh-127019.html