Nhận thức đúng để thoát nghèo

ĐTO - Thời gian qua, tại Đồng Tháp, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống, đó là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp với những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo đời sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự muốn thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng vẫn muốn “được” là hộ nghèo.

Với tinh thần nỗ lực, anh Phùng Văn Hừng ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả (Ảnh CĐ)

Với tinh thần nỗ lực, anh Phùng Văn Hừng ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả (Ảnh CĐ)

Chỉ trong năm 2022, với tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, đã chung tay chăm lo cho người nghèo trong tỉnh bằng nhiều hình thức với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng. Đây là một kết quả quan trọng, đáng ghi nhận và có ý nghĩa sâu sắc, góp phần cổ vũ, động viên các hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Lê Thành Công - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Đồng Tháp vẫn băn khoăn, ray rứt rằng, trong thực tế vẫn còn không ít hộ nghèo còn hạn chế về nhận thức, không tự chủ vươn lên, trông chờ vào chính sách của Nhà nước, suy nghĩ rằng “mình khỏi lo, vì đã có Mặt trận lo”... Đây là vấn đề cần phải có những giải pháp tích cực hơn, đi vào chiều sâu, nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng xã hội.

Trước đây, ta đã nghe nhiều về những chuyện như: xích mích nhau vì tranh giành để được công nhận hộ nghèo; tranh thủ, chạy chọt kiếm sổ hộ nghèo hoặc tổ chức tiệc tùng ăn mừng khi được cấp sổ hộ nghèo... Phải chăng, khi một bộ phận người dân coi chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người nghèo như một “đặc ân” thì họ luôn muốn khoác lên mình chiếc áo “hộ nghèo” để tiếp tục được hưởng lợi. Và khi người nghèo còn tư tưởng “thích nghèo” thì hiển nhiên họ cũng không muốn nỗ lực để thoát nghèo. Một cán bộ ở xã kể rằng, bản thân rất trăn trở mỗi lần họp xét hộ nghèo, bởi còn nhiều bà con đua nhau thích là hộ nghèo. Hộ này so bì hộ kia, hộ đã thoát nghèo thì tìm mọi lý do để mong muốn được công nhận hộ nghèo; còn hộ nghèo cứ muốn tiếp tục là hộ nghèo, cho dù chính quyền địa phương nỗ lực giải thích, vận động, tuyên truyền cũng không kết quả. Chuyện tưởng như ngược đời nhưng tư tưởng ấy vẫn còn không ít trong một bộ phận người dân các xã.

Chúng ta vô cùng ngưỡng mộ ông Lương Văn Sáng ở xã Định An, huyện Lấp Vò là hộ nghèo, nhà bị sập phải che bằng bạt nilon để ở, địa phương cấp nhà từ thiện nhưng từ chối để nhường cho người khác vì cho rằng còn hai bàn tay cùng với vợ con làm lụng, dành dụm... và đã thoát nghèo, cất được căn nhà mới. Chúng ta rất khâm phục bà Đào Thị Ánh ở Phường 4, TP Sa Đéc đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo mặc dù gia đình chưa gọi là dư dả nhưng với quyết tâm tự thân vươn lên, cho rằng “thấy mình cũng đủ sống, ăn xài cũng không bao nhiêu, con cũng lớn nên mình gởi lại sổ cận nghèo”. Đây là những tấm gương điển hình rất đáng biểu dương và trân trọng.

Thể hiện tinh thần và quyết tâm giảm nghèo bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3%. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2025 tăng 1,8 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, nếu tư tưởng thích nghèo và muốn hộ nghèo thành “thương hiệu” để được hưởng lợi, tuy không phổ biến nhưng sẽ là rào cản trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nhận thức luôn ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không chí thú làm ăn, mà vẫn muốn dựa vào cái mác hộ nghèo để hưởng lợi sẽ là những suy nghĩ sai lệch, tiêu cực cần phải có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh.

Để chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước là ưu việt, ta cần thực hiện việc hỗ trợ đúng, trúng đối tượng; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, hộ nghèo với lòng “tự ái” sẽ tự thân vươn lên, nhận thức được nghèo khó là một sự thiệt thòi cần phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, chứ không phải là một “danh hiệu” để cố duy trì, gìn giữ. Đồng thời, với trách nhiệm của cả cộng đồng sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, khơi dậy tình yêu thương, khát vọng để người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

ĐỒNG DAO

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/nhan-thuc-dung-de-thoat-ngheo-114400.aspx