Nhận thức đúng, hành động đủ
Gần 22 triệu đơn vị máu được hiến tặng, hàng triệu người bệnh được cứu sống, nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại được triển khai thành công... là những thành tựu nổi bật sau 25 năm phát động Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, để phong trào tiếp tục phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là nâng cao nhận thức cộng đồng, không chỉ trong tư duy mà cả trong hành động.
Từ những con số "biết nói"...
Phong trào hiến máu tình nguyện chính thức khởi động từ năm 2000 từ Quyết định số 43/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 7.4 hằng năm là “Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Thời điểm đó, cả nước chỉ tiếp nhận khoảng 236.000 đơn vị máu, trong đó vỏn vẹn 30% là từ người tình nguyện hiến máu.
Song, đến năm 2010, lượng máu tiếp nhận đã tăng gần gấp ba, đạt 674.000 đơn vị với tỷ lệ hiến máu tình nguyện gần 85%. Đến năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam cán mốc 1 triệu đơn vị máu. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận con số ấn tượng, với hơn 1,7 triệu đơn vị máu được hiến tặng - tương đương 1,7% dân số cả nước tham gia hiến máu, với 98% là hiến máu tình nguyện, từ đó đã cung cấp được hơn 3 triệu chế phẩm máu cho hơn 700 cơ sở y tế. Lượng máu tiếp nhận năm 2024 cao gấp 7,4 lần so với năm 2000.
Tính đến năm 2025, sau 25 năm phát động, cả nước đã tiếp nhận gần 22 triệu đơn vị máu. Lượng máu quý giá này góp phần quan trọng trong điều trị cấp cứu, phẫu thuật, ghép tạng, ghép mô, và hỗ trợ triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến như điều trị ung thư, bệnh máu di truyền hay ghép tế bào gốc.

Phong trào hiến máu lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, với gần 22 triệu đơn vị máu được hiến tặng sau 25 năm. Nguồn: ITN
Nhằm gia tăng số lượng người hiến máu, với vai trò là đơn vị chuyên môn đầu ngành, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không ngừng đổi mới cách làm, tổ chức nhiều chương trình hiến máu sáng tạo và hiệu quả như: Lễ hội Xuân Hồng (từ 2008), Hành trình Đỏ (từ 2013) hay Chủ nhật Đỏ... Những chiến dịch này đã giúp thay đổi mạnh mẽ nhận thức xã hội về nghĩa cử này.
Năm 2024, Viện đã tiếp nhận 505.639 đơn vị máu và chế phẩm, chiếm gần 29% tổng lượng máu toàn quốc. Viện cung cấp hơn 851.000 chế phẩm máu cho 185 cơ sở y tế tại 33 tỉnh, thành phố - thể hiện vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh nguồn máu quốc gia.
... tới viết tiếp hành trình nhân ái
Sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập năm 2008, phong trào hiến máu đã được tổ chức bài bản từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, 100% tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 99% huyện có Ban Chỉ đạo cấp huyện; hơn 86% xã/phường có Ban Chỉ đạo cấp cơ sở.
Phong trào không còn gói gọn trong học sinh, sinh viên hay thanh niên mà lan rộng tới công nhân, công chức, nhà tu hành, người cao tuổi, thậm chí cả kiều bào ở nước ngoài. Nhiều gia đình hiến máu tiêu biểu đã hình thành, nhiều cơ quan và doanh nghiệp đưa hoạt động hiến máu định kỳ vào kế hoạch thường niên.
Dù đạt được nhiều thành tích nổi bật, phong trào hiến máu tình nguyện vẫn đối mặt với những thách thức như nhiều người chỉ hiến máu một lần rồi dừng lại, truyền thông chưa cá nhân hóa theo từng nhóm đối tượng, vẫn tồn tại không ít định kiến, hiểu nhầm về việc hiến máu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cần xây dựng hệ thống truyền thông mạnh, lan tỏa và có chiều sâu. Hiến máu không chỉ là hành động tốt mà còn là một biểu hiện của công dân có trách nhiệm.
Việc nâng cao nhận thức không chỉ là tuyên truyền bằng khẩu hiệu, mà cần có chiến lược tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, gần gũi với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng. Sự tham gia của nghệ sĩ, người nổi tiếng, tổ chức xã hội, mạng xã hội, các doanh nghiệp… sẽ là lực đẩy quan trọng cho làn sóng nhận thức mới.
Để duy trì phong trào lâu dài, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác hiến máu là xu hướng tất yếu. Các ứng dụng giúp người dân đặt lịch hiến máu, nhận kết quả xét nghiệm, theo dõi lịch sử hiến máu đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh, phong trào hiến máu tình nguyện cần bước vào giai đoạn mới như phát triển lực lượng hiến máu thường xuyên, theo lịch hẹn, gắn hiến máu với vận động hiến mô, tạng sau khi qua đời; đồng thời, khai thác tối đa công nghệ số để người dân chủ động hơn.
Việc hình thành lực lượng hiến máu định kỳ, có thể huy động nhanh trong các tình huống khẩn cấp sẽ là điểm tựa vững chắc cho hệ thống y tế quốc gia.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhan-thuc-dung-hanh-dong-du-post410126.html