Nhận thức giám sát, phản biện xã hội vẫn chưa đầy đủ

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam giai đoạn 2013-2021, làm cơ sở xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Kiến nghị ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để Nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách; là hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và kể cả một số cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đôi khi, chưa phân biệt được về chủ thể, nội dung, tính chất giữa giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và giám sát của MTTQ Việt Nam; chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và mối liên hệ mật thiết giữa việc triển khai tốt công tác giám sát, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình.

Hiến pháp năm 2013, chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, đầy đủ nhưng thiếu nhiều cơ chế thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Công tác tác hướng dẫn, kiểm tra, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ còn chưa bài bản, chưa kịp thời, đầy đủ. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội còn chưa đồng đều, chưa có bộ máy cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác giám sát, phản biện xã hội...

Đề xuất giải pháp để nâng cao hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) kiến nghị nhà nước ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội, Luật giám sát của nhân dân; trong đó quy định mở rộng chủ thể của MTTQ là các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia giám sát. Đồng thời ban hành Quy trình giám sát và phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức đối với việc phản hồi các kiến nghị sau giám sát và phản biện; quy định chế tài đối với những vi phạm các quy định về giám sát, phản biện xã hội.

Đặc biệt trong quá trình hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp phải huy động sự tham gia của nhân dân, đoàn viên, hội viên, phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát.

Triển khai vừa sức, lấy chất lượng làm chính

Đồng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, cần đánh giá lại lực lượng của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp để từ đó xây dựng các chương trình giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất, không hình thức.

Xác định các chương trình triển khai sao cho vừa sức, không dàn trải, lấy chất lượng làm chính. Theo đó, ở cấp Trung ương mỗi năm chỉ triển khai 2 - 3 chương trình giám sát; cấp tỉnh triển khai 1 - 2 chương trình/năm; cấp huyện triển khai 1 chương trình/năm.... Phạm vi giám sát chỉ nên tập trung vào các chương trình, dự án, đề án được đầu tư xây dựng trực tiếp tại cộng đồng, có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân ở cộng đồng.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, ông Nguyễn Văn Pha đề nghị cần cải tiến nội dung và hình thức phản biện xã hội như lâu nay vẫn làm - chủ yếu là hình thức hội nghị; tăng cường các hình thức lấy ý kiến dưới dạng tham vấn công chúng, tham vấn chuyên gia để nội dung phản biện thực sự phản ánh hơi thở của cuộc sống chứ không phải sản phẩm của phòng lạnh.

Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, nội dung của Chỉ thị phải tăng cường nhận thức của các cấp ủy tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

“Chỉ thị của Ban Bí thư cần chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan thực hiện kiến nghị của các cuộc giám sát, phản biện xã hội và những kiến nghị nào không thực hiện được phải có phản hồi”- ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Cùng với việc phải đổi mới về tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ Mặt trận có năng lực, có phẩm chất, bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ được giao, ông Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định, Chỉ thị của Ban Bí thư quan tâm đến lãnh đạo chỉ đạo xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động. Trong đó quan tâm đến việc sửa đổi luật MTTQ Việt Nam, kiến nghị Nhà nước ban hành Luật giám sát và phản biện xã hội, Luật giám sát của nhân dân; quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội…/.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhan-thuc-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-van-chua-day-du-post448406.html