Nhận thức về bản quyền ở Việt Nam vẫn còn mơ hồ

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, tại Hội thảo quốc gia thường niên về Bản quyền và Quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, được tổ chức tại TPHCM vào ngày 9-8.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Sánh, thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt là sao chép tác phẩm đang diễn ra một cách công khai ở nước ta, trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay. Không chỉ các cơ quan chức năng đau đầu, mà các tổ chức thế giới cũng đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở top cao.

 Bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Bà Sánh cho rằng, không ít người tùy tiện lấy các bài viết, công trình nghiên cứu trong các tuyển tập, toàn tập để làm các tập sách chuyên đề riêng trong sách văn học và y học mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc. Thậm chí, không ít lãnh đạo, trí thức, tác giả nhận thức về bản quyền còn rất mơ hồ. Có một số tác giả khi được chúng tôi lưu ý chuyện bảo vệ bản quyền thì trả lời rằng: “Chúng tôi viết sách ra có nhiều người đọc thì càng tốt, chứ lấy tiền làm gì”, bà Nguyễn Thị Sánh cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Sánh, tình trạng này chẳng những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của tác giả mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về ý thức và trách nhiệm đối với sản phẩm trí tuệ của nhân loại, sẽ tạo nên một thế hệ ăn cắp chất xám của người khác.

 Chủ trì hội thảo, từ trái qua: TS Đào Minh Đức, TS Thang Văn Phúc, PGS-TS Đào Duy Quát, bà Nguyễn Thị Sánh và TS Nguyễn Huỳnh Thanh

Chủ trì hội thảo, từ trái qua: TS Đào Minh Đức, TS Thang Văn Phúc, PGS-TS Đào Duy Quát, bà Nguyễn Thị Sánh và TS Nguyễn Huỳnh Thanh

Đồng tình với quan điểm của bà Nguyễn Thị Sánh, PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển thì tình trạng này cực kỳ phổ biến. Theo PGS-TS Đào Duy Quát, không riêng gì các tác phẩm văn học nghệ thuật mà tình trạng ăn cắp chất xám, xâm phạm bản quyền còn diễn ra phổ biến ở các luận văn thạc sĩ và tiến sĩ.

 Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, chia sẻ về vấn đề thực thi Quyền sao chép tại Việt Nam

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, chia sẻ về vấn đề thực thi Quyền sao chép tại Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; phân tích các khía cạnh liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký quyền tác giả; các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền tác giả; các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả…

 Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam ký kết hợp tác với Hội Nhiếp ảnh TPHCM

Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam ký kết hợp tác với Hội Nhiếp ảnh TPHCM

Dịp này, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã cùng ký kết hợp tác với Hội Nhiếp ảnh TPHCM và Viện Triết học Phát triển, để cùng nhau triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhan-thuc-ve-ban-quyen-o-viet-nam-van-con-mo-ho-post753328.html