Nhận thức về gỗ hợp pháp Việt Nam trong ngành cao su còn hạn chế

Khảo sát việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) trong chuỗi cung ứng gỗ cao su cho thấy, 100% tiểu điền không biết về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và không biết các qui định VNTLAS. Đặc biệt, có tới 63% doanh nghiệp chưa nắm bắt được các yêu cầu của FLEGT/VPA và không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp.

Thông tin được chuyên gia lâm nghiệp công bố tại Hội thảo kỹ thuật Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ VNTLAS trong ngành cao su Việt Nam”, do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhận thức về gỗ hợp pháp trong chuỗi cung ứng còn hạn chế

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch VRA - cho biết, với mục tiêu hỗ trợ các hộ tiểu điền và doanh nghiệp (DN) ngành cao su nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu Hệ thống VNTLAS, VRA đã triển khai thực hiện Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ VNTLAS trong ngành cao su Việt Nam” từ tháng 11/2020. Dự án có sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) và sự ủng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Khảo sát việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong chuỗi cung ứng gỗ cao su mới đây cho thấy, có tới 63% doanh nghiệp chưa nắm bắt được các yêu cầu của FLEGT/VPA và không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp. Ảnh minh họa

Khảo sát việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong chuỗi cung ứng gỗ cao su mới đây cho thấy, có tới 63% doanh nghiệp chưa nắm bắt được các yêu cầu của FLEGT/VPA và không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp. Ảnh minh họa

Đến nay, dự án bước đầu đã hoàn thành 2 hoạt động đầu tiên trong kế hoạch thực hiện, bao gồm: xây dựng báo cáo về hiện trạng của các nhà sản xuất và các nhà máy chế biến gỗ cao su tại Việt Nam và đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong chuỗi cung ứng gỗ cao su Việt Nam.

Bên cạnh việc nghiên cứu các số liệu có sẵn, 2 hoạt động đầu tiên đã được VRA phối hợp với các chuyên gia thực hiện khảo sát thực địa tại 10 xã của hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.

Báo cáo đánh giá việc tuân thủ các yêu cầu của VNTLAS trong 2 chuỗi cung ứng gỗ cao su tại Tây Ninh Và Bình Dương tại hội thảo, TS. Nguyễn Tử Kim - chuyên gia lâm nghiệp của dự án cho biết: kết quả khảo sát cho thấy 100% tiểu điền không biết về VPA/FLEGT và không biết các qui định VNTLAS trong hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam. Có tới 63% DN chưa nắm bắt được các yêu cầu của FLEGT/VPA và không đáp ứng được yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ trong nước hợp pháp.

Hiện chỉ các DN tham gia xuất khẩu có quan tâm đến VNTLAS và đã triển khai lưu trữ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi tham gia chuỗi cung ứng gỗ. Việc tuân thủ các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung ứng cũng chưa được DN chú ý

Đối với các bằng chứng về hoạt động chế biến, sản xuất của DN, chưa có nhiều DN chú tâm đến việc xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ về các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đa số DN hiện tại mới lưu theo cách thụ động, chưa lưu trữ có hệ thống và rất khó để giải trình khi bị kiểm tra hoặc yêu cầu giải trình.

Đáng chú ý, phân loại DN chưa được triển khai là những khó khăn cho DN xuất khẩu, tăng các thủ tục hành chính làm chậm quá trình vận chuyển và giao hàng cho châu Âu.

Phần lớn DN gỗ Việt Nam và đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ đang rất khó khăn với việc tiếp cận thông tin nên việc đáp ứng tất cả các yêu cầu của pháp luật về gỗ hợp pháp có nhiều hạn chế. Ngoài ra, các kênh liên lạc với khách hàng tại thị trường châu Âu rất hạn chế, thậm chí nhiều DN không làm ăn trực tiếp với khách hàng châu Âu mà thông qua trung gian. Do đó, những yêu cầu về lâm nghiệp, về gỗ từ phía châu Âu không đến được DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ, gây lúng túng trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT.

Thúc đẩy xuất khẩu gỗ cao su bền vững - cần chính sách hỗ trợ

Từ lâu gỗ cao su đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng với mủ cao su, gỗ cao su đã trở thành một trong 2 sản phẩm chính từ cây cao su, giúp cải thiện thu nhập cho hơn 265.000 hộ tiểu điền và hơn 1.500 DN trong chuỗi cung ứng gỗ cao su với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ USD, chiếm 33,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su và đóng góp 22,4% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ cao su đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

TS. Trần Thị Thúy Hoa - chuyên gia kỹ thuật dự án: Bên cạnh việc hỗ trợ người trồng cao su đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc theo VNTLAS quy định, cần có những khảo sát, nghiên cứu để khuyến khích, hướng dẫn người trồng các giải pháp kỹ thuật phát triển cao su bền vững

TS. Trần Thị Thúy Hoa - chuyên gia kỹ thuật dự án: Bên cạnh việc hỗ trợ người trồng cao su đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc theo VNTLAS quy định, cần có những khảo sát, nghiên cứu để khuyến khích, hướng dẫn người trồng các giải pháp kỹ thuật phát triển cao su bền vững

Trong giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng gỗ cao su ước đạt khoảng 3,89 triệu m3 gỗ quy tròn/năm và có tiềm năng đạt từ 3,22 - 13,10 triệu m3 gỗ quy tròn/năm từ sau năm 2021. Trong đó, gỗ cao su tiểu điền chiếm tỷ trọng tăng từ 20% - 45%.

Diện tích cao su đã giảm dần từ năm 2015 - 2019 và có thể tiếp tục giảm do sự phát triển công nghiệp hóa và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của các địa phương. Do đó, có thể ảnh hưởng đến sản lượng gỗ cao su sau năm 2040. Sản lượng gỗ cao su có thể được duy trì ổn định và tăng trưởng tốt khi có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho người trồng cao su và diện tích cao su được quản lý chặt chẽ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hộ gia đình, người trồng cao su, cần có những chính sách hỗ trợ khả năng đáp ứng xu thế của thị trường đang yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về đảm bảo tính hợp pháp, nguồn gốc minh bạch và phát triển bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ cao su.

TS. Trần Thị Thúy Hoa - chuyên gia kỹ thuật đánh giá, VNTLAS được ban hành đã tạo khung pháp lý cho điều kiện này, nhưng cần một số giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ việc tuân thủ theo quy định.

Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả hộ gia đình và tổ chức tham gia trồng cao su. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa UBND cấp xã và đơn vị kiểm lâm tại địa bàn để tạo thuận lợi cho việc xác nhận nguồn gốc gỗ cao su hợp pháp theo VNTLAS.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả hộ gia đình và tổ chức tham gia trồng cao su. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ giữa UBND cấp xã và đơn vị kiểm lâm tại địa bàn để tạo thuận lợi cho việc xác nhận nguồn gốc gỗ cao su hợp pháp theo VNTLAS.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các tư thương đăng ký giấy phép kinh doanh theo pháp luật và hướng dẫn thực hiện những quy định của VNTLAS để đảm bảo việc thu mua và cung cấp nguồn gỗ cao su hợp pháp. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các DN về quyền lợi, giảm rủi ro và có trách nhiệm khi sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ cao su được xác nhận nguồn gốc hợp pháp; hướng dẫn cho DN các thủ tục, hồ sơ cần thực hiện để tuân thủ VNTLAS và đáp ứng điều kiện được cấp phép FLEGT.

Đặc biệt, cần có hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức triển khai VNTLAS cùng phối hợp trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy việc tuân thủ VNTLAS. Cùng với đó, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn để phổ biến cho các DN, tiểu thương và hộ gia đình nắm hiểu và áp dụng đúng các quy định của VNTLAS.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ người trồng cao su đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc theo VNTLAS quy định, cần có những khảo sát, nghiên cứu để khuyến khích, hướng dẫn người trồng các giải pháp kỹ thuật phát triển cao su bền vững trong các hệ thống sản xuất có hiệu quả kinh tế và sử dụng đất cao, đa dạng nguồn thu nhập, tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường và biến đổi khí hậu.

Tháng 9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Hệ thống VNTLAS được xây dựng dựa trên các qui định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-thuc-ve-go-hop-phap-viet-nam-trong-nganh-cao-su-con-han-che-154550.html