Nhận thưởng 700.000 USD vì lấy AI giải mã nội dung cuộn giấy 2.000 năm
Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), 3 nhà khoa đã giải mã thông tin trong cuộn giấy 2.000 năm tuổi bị cháy xém trong vụ phun trào núi lửa chôn vùi thành phố La Mã cổ đại.
Theo CNN, 3 nhà khoa học trẻ là Youssef Nader, Luke Farritor và Julian Schilliger đã giành được giải thưởng trị giá 700.000 USD nhờ giải mã thành công cuộn giấy cói Herculaneum, mang lại cái nhìn sâu sắc về triết học từ gần 2.000 năm trước.
Herculaneum là thị trấn nhỏ được đặt theo tên của Hercules, người anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Mùa thu năm 79, dòng nham thạch từ núi lửa Vesuvius phun trào đã phá hủy hoàn toàn Herculaneum và những thành phố lân cận, trong đó có Pompeii nổi tiếng.
Tuyển tập giấy cói Herculaneum gồm khoảng 800 cuộn đã bị carbon hóa trong thảm họa này và hiện được lưu giữ tại thư viện Naples và Viện Institut de France ở Paris.
Phần lớn cuộn giấy trông giống như những khúc gỗ tro cứng, bị hư hại nặng nề và thậm chí sẽ bị vỡ vụn nếu các nhà khoa học cố gắng mở chúng ra.
Do không thể mở được, ban tổ chức cuộc thi đã quét CT độ phân giải cao đối với 4 cuộn giấy trong số này. Tổng cộng có khoảng 1 triệu USD tiền thưởng được treo để thúc đẩy các nghiên cứu liên quan.
Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân biệt mực với giấy cói, bộ 3 nhà khoa học đã tìm ra những chữ cái Hy Lạp vốn đã bị mờ và gần như không thể đọc được thông qua nhận dạng mẫu.
“Một số văn bản này có thể viết lại hoàn toàn lịch sử các thời kỳ quan trọng của thế giới cổ đại”, Robert Fowler, chủ tịch Hiệp hội Herculaneum nói với Bloomberg.