Nhận tiền tỷ để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm xe cơ giới:: Giám đốc và các đăng kiểm viên bị đề nghị truy tố
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 11 bị can trong vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D thuộc Công ty TNHH Quốc Tuấn (đóng tại P.Tân Biên, TP.Biên Hòa).
Trong số đó, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Tuấn Lương Minh Tú (43 tuổi) và 8 đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
* Kéo khách hàng về để “làm luật”
8 đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D bị truy tố gồm: Lê Sơn Tuyền, Trần Đức Duy, Lê Văn Lộc, Nguyễn Thanh Hải, Lê Khánh Phương, Phạm Phú Giáo, Phan Hữu Lương và Đào Minh Hiển.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố đối với 2 bị can về tội đưa hối lộ gồm: Võ Chí Giang (39 tuổi, nhân viên Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T, đóng tại TP.Biên Hòa) và Lê Tiến Trung (43 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang, đóng tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định, trong năm 2022, các đăng kiểm viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D đã nhận hối lộ tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Đối với bị can Lương Minh Tú, cơ quan điều tra xác định trước đây bị can khai nhận số tiền 1,9 tỷ đồng, nhưng đến nay khai chỉ nhận 500 triệu đồng từ các chủ xe.
Theo kết luận điều tra, từ khi Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D thay đổi địa chỉ, trụ sở làm việc và cùng với sự phát triển của nhiều trung tâm đăng kiểm khác, hoạt động tại trung tâm này đã bị giảm sút. Trước tình hình đó, Lương Minh Tú đã chỉ đạo các nhân viên đăng kiểm tại trung tâm khi có khách hàng quen biết là chủ phương tiện thì giới thiệu về đây thực hiện việc đăng kiểm. Đối với những khách hàng quen biết này, ngoài việc đóng các phí đăng kiểm, phí đường bộ vào hệ thống sổ sách kế toán của trung tâm theo quy định, đối với các xe đăng kiểm nếu phát hiện có các lỗi kỹ thuật không đạt tiêu chuẩn thì chủ xe phải đóng thêm tiền để các đăng kiểm viên sử dụng các thủ thuật bỏ qua các lỗi kiểm định để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Theo chỉ đạo của Lương Minh Tú, số tiền nhận từ các chủ xe tùy vào các lỗi về tiêu chuẩn an toàn như: đối với xe khách trên 40 chỗ phải đóng 700 ngàn đồng/lượt; (số tiền này Tú hưởng 300 ngàn đồng, còn lại dành cho đăng kiểm viên và người môi giới); xe khách từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ đóng 500 ngàn đồng (Tú hưởng 200 ngàn đồng); xe khách từ
10-24 chỗ đóng 300 ngàn đồng (Tú hưởng 100 ngàn đồng)... Đối với xe tải loại 2 tấn thì phải đóng 250 ngàn đồng (Tú hưởng 100 ngàn đồng). Đối với xe tải trên 20 tấn, nếu phát hiện lỗi phải đóng 900 ngàn đồng (Tú hưởng 400 ngàn đồng). Ngoài ra, còn nhiều loại xe khác, số tiền để bỏ qua lỗi cũng thay đổi tùy từng
loại xe.
Việc nhận tiền để bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm xe có thể chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt. Nếu nhận qua chuyển khoản thì người nhận phải ứng tiền mặt đưa cho Tú và đăng kiểm viên. Việc chia tiền nhận hối lộ từ các chủ xe được các đối tượng chia nhau vào cuối mỗi ngày làm việc.
Để việc chia tiền đúng với thực tế, hàng ngày các đối tượng trong tổ bố trí 1 đăng kiểm viên làm nhiệm vụ ghi chép lại số tiền, số xe đã nhận. Việc ghi chép chỉ được thực hiện vào 1 tờ giấy và sẽ hủy bỏ sau khi hoàn tất việc chia tiền.
* Bỏ qua lỗi khi đã nhận tiền chung chi
Theo xác định của cơ quan công an, quy trình đăng kiểm xe cơ giới tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D thực hiện theo 5 công đoạn, được quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12-8-2021 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, để bỏ qua các lỗi của những phương tiện đã được “gửi” sau khi đã chung chi, các đăng kiểm viên thường không thực hiện đúng quy định, quy trình kiểm định mà sử dụng các thủ đoạn trong công đoạn kiểm định, làm sai lệch kết quả kiểm định.
Cụ thể, đối với công đoạn kiểm tra môi trường, khi đưa xe vào kiểm tra, đăng kiểm viên sẽ khởi động xe, đạp ga liên tục 4 lần để máy đo ghi nhận mức khí thải đạt hoặc không đạt. Tuy nhiên, đối với những xe đã chung chi, đăng kiểm viên sẽ làm sạch ống xả và đạp ga mạnh trước khi đưa vào đo hoặc che một phần máy đo để hạn chế tiếp xúc với khí thải của xe.
Đối với công đoạn kiểm tra phanh (thắng xe), với những xe “gửi”, đăng kiểm viên cũng dùng chiêu sử dụng phanh tay, cài số lùi hoặc tráo xe khác nhưng giữ nguyên thông tin xe đang đăng kiểm. Ngoài ra, đối với các công đoạn kiểm tra gầm, kiểm tra đèn bằng máy, những xe cải tạo thùng..., các đăng kiểm viên đều sử dụng thủ thuật để bỏ qua các lỗi đối với những xe đã được “gửi”.
Ngoài hành vi của các đăng kiểm viên nói trên, cơ quan công an cũng xác định có 2 trường hợp Võ Chí Giang và Lê Tiến Trung đã trực tiếp thỏa thuận với đăng kiểm viên Lê Văn Lộc để được bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Trong đó, Trung đã bỏ chi phí “bôi trơn” cho Lộc 4,2 triệu đồng để bỏ qua lỗi cho 6 lượt xe ô tô, còn Võ Chí Giang hối lộ gần 40 triệu đồng để bỏ qua lỗi cho 114 lượt đăng kiểm. Ngoài Giang và Trung, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ đối với một số chủ phương tiện khác.
Cơ quan điều tra xác định, các đăng kiểm viên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp và qua trung gian để nhận tiền ngoài quy định của các chủ phương tiện để thực hiện sai quy trình, quy định đăng kiểm xe cơ giới, bỏ qua một số lỗi không đạt về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Hành vi của các đăng kiểm viên rất tinh vi, chặt chẽ, có sự bàn bạc thống nhất và diễn ra trong suốt thời gian dài, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Trong khi đó, hành vi đưa tiền của các chủ phương tiện để được bỏ qua lỗi, được kiểm định phương tiện sẽ tạo tiền lệ xấu trong giải quyết thủ tục hành chính.