Nhắn tìm đồng đội

Khoảng giữa tháng 11-1972, nhóm liên lạc chúng tôi gồm anh Nguyễn Văn Có cùng một tiểu đội lực lượng vũ trang K8 nhận nhiệm vụ lên đường khai thông tuyến hành lang nội bộ từ nơi các cơ quan K8 đứng chân dưới chân núi Hãnh Hót, dãy núi cao nhất vùng Nam thị trấn An Khê lên đội công tác hướng Tây (vùng Đồng Chè-Tây Nam thị xã An Khê ngày nay). Những ngày mưa triền miên đã làm nước sông Ba dâng cao. Vì thế, trong nhóm công tác của chúng tôi, lãnh đạo đã chọn những người có khả năng bơi lội để vượt sông Ba.

Dù mưa gió hàng tuần không dứt, nhưng bọn biệt kích, lính địa phương quân trong vùng vẫn lùng sục, phục kích, đánh phá các nẻo đường mà chúng nghi có lực lượng cách mạng qua lại. Để tránh bị rơi vào những ổ phục kích và mìn, lựu đạn chúng gài lại, chúng tôi đã chọn yếu tố bất ngờ để vượt lũ sông Ba-đó là đoạn sông rộng, nước không chảy xiết, chỉ cách cầu sông Ba thuộc thị trấn An Khê (giờ là thị xã An Khê) chừng hơn chục cây số về phía hạ lưu để thực hiện nhiệm vụ.

Một góc sông Ba. Ảnh nguồn internet

Khoảng quá trưa, chúng tôi đã có mặt bên bờ sông Ba. Lúc này, mưa vẫn không dứt. Tuy nhiên, nước sông Ba chưa cao đến mức kỷ lục. Sau một hồi bàn bạc, tìm cách đưa người qua sông, anh Tổng (tôi không còn nhớ chính xác họ và tên đệm của anh) xung phong làm người mở đường bơi qua sông đầu tiên. Nhiệm vụ của anh là khi vượt được sông sẽ phối hợp với các anh chị em đội công tác cánh Tây và du kích địa phương chặt tre làm bè để quay lại đưa các anh em còn lại sang sông. Trong khi mọi người còn phân vân, lo lắng thì anh Tổng khẳng định anh là người sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kôn (Bình Khê, Bình Định) cho nên “mọi người an tâm”-anh nói vậy. Chọn một cây mục khá to làm “phao”, anh để lại tư trang, chỉ mang theo khẩu AK-47. Khi anh đã bơi ra chừng 1/3 bề mặt của dòng nước, bỗng nước từ nguồn đổ về ngầu đục dâng cao, cuồn cuộn chảy, cuốn theo nhiều cây cối. Từ trên bờ, chúng tôi chỉ còn thấy anh Tổng ngoi ngóp giữa dòng sông một lúc thì chìm hẳn. Trong nước mắt và nước mưa nhòa lẫn vào nhau trên những gương mặt đồng đội, phút chốc tôi bỗng nhớ ra điều cần làm, khi vĩnh biệt đồng chí của mình ra đi oan ức, 3 phát súng bắn chỉ thiên mà tiếng nổ của nó như chìm nghỉm trong tiếng mưa đổ như nước trút và gào thét của dòng sông.

Khi nước rút, chúng tôi dành mấy ngày liền tìm kiếm anh dọc theo hai bên bờ sông mà không thấy, đành bất lực trở về trong niềm đau tiếc thương. Một thời gian sau, chúng tôi nhận được tin, cách nơi anh Tổng bị nạn chừng 20 cây số, bà con vùng căn cứ K7 (huyện Kông Chro ngày nay) có tìm thấy và chôn cất một người chết đuối, theo mô tả, chúng tôi khẳng định đó là anh Tổng.

Anh Tổng là người Bình Khê (giờ là huyện Tây Sơn), sinh năm 1945, từng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang địa phương, bị thương và được ra Bắc chữa trị và học tập. Đầu năm 1972, anh xung phong trở về Nam chiến đấu và K8 (An Khê) là nơi anh được bổ sung về. Tôi cũng chỉ được nghe các anh lãnh đạo K8 nói thế. Điều tôi hết sức trăn trở là, những năm qua, hàng chục lần tôi về viếng các hương hồn liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê, tìm kiếm mộ anh trong hàng ngàn ngôi mộ ở đây nhưng không thấy có tên anh. Dò hỏi các đồng đội còn sống ở An Khê về anh thì không ai còn nhớ, biết cụ thể về anh. Cho nên cũng không biết là anh đã được công nhận liệt sĩ hay chưa, gia đình, bà con của anh ở quê có tin tức gì về anh, có được hưởng chế độ chính sách gì không?

An Khê là địa bàn hết sức quan trọng của cả ta và địch. Vì thế, nơi đây được coi là chiến trường rất ác liệt, ngày đêm, không kể mưa bão, lũ lụt, quân Mỹ-ngụy càn quét, lùng sục, đánh phá khắp nơi; cán bộ, chiến sĩ ta thương vong nhiều. Sau chiến tranh, vì nhiều lý do mà nhiều đồng đội, đồng chí hy sinh giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt và thân nhân. Tôi viết lên bài báo nhỏ này như là lời “nhắn tìm đồng đội” với mong ước tìm lại gia đình, người thân cho anh Tổng, để anh được yên lòng nơi chín suối. Và chúng tôi-những người còn sống qua cuộc chiến khốc liệt này, phần nào bớt nỗi xót xa, day dứt bao năm qua!

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhan-tim-dong-doi-post252299.html