Nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
THS. LÊ ANH TUẤN - THS. TRẦN THỊ KIM DUNG (Trường Đại học Hồng Đức)
TÓM TẮT:
Tạo việc làm nói chung và tạo việc làm cho cư dân làng chài nói riêng chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Bài báo sử dụng mô hình hồi quy để xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tạo việc làm cho cư dân làng chài tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng, bao gồm: Đặc điểm cư dân làng chài; Giáo dục - Đào tạo; Cơ chế chính sách; Kinh tế - xã hội địa phương và Điều kiện tự nhiên địa phương.
Từ khóa: Tạo việc làm, cư dân làng chài, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
1. Đặt vấn đề
Thiệu Hóa là một huyện đồng bằng thuộc tỉnh Thanh Hóa, gồm 24 xã và 1 thị trấn, những hoạt động kinh tế chính ở đây gồm có: trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và các làng nghề truyền thống. Bên cạnh các hoạt động kinh tế nổi bật đã nêu, trên địa bàn huyện đang tồn tại một bộ phận cư dân cư trú trên các thuyền bè dọc hai bờ sông Chu và một số nhánh sông nhỏ (làng chài tại xã Thiệu Vũ; xóm chài phía Nam cầu Thiệu Hóa, thị trấn Vạn Hà), sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghề chài lưới của bộ phận cư dân này bị ảnh hưởng rất lớn do các nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt và chịu tác động tiêu cực do tình trạng ô nhiễm môi trường. Quá trình chuyển đổi nghề cho bà con làng chài gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, như: trình độ văn hóa cũng như kỹ năng nghề nghiệp của bà con rất thấp; khó khăn trong việc đào tạo nghề mới cho bà con do lối tư duy về nghề chài lưới đã gắn bó với họ trong khoảng thời gian dài; khó khăn trong việc tìm nghề phù hợp cho bà con; các chính sách hỗ trợ bà con làng chài chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Từ những vấn đề nêu trên, bài báo nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân các làng chài tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết và khung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài
Mô hình thể hiện các nhân tố tác động đến sức ép về lao động và việc làm ở nông thôn của tác giả Đinh Quang Thái (2008) cho rằng, số người đến tuổi lao động ngày một tăng, số người thất nghiệp ở khu vực thành thị và số người thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn nhiều, điều này gây sức ép rất lớn về nhu cầu giải quyết việc làm của chính quyền các cấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế bước đầu có kết quả song còn chậm; trình độ tay nghề của người lao động còn thấp chưa đáp ứng được đòi hỏi của người sử dụng lao động nên gặp khó khăn trong tìm việc làm; cơ chế chính sách giải quyết việc làm còn thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh.
Theo các nghiên cứu của tác giả Hồ Thị Diệu Ánh (2015) và Trần Thị Minh Phương (2015), có thể khái quát các yếu tố tác động đến quá trình tạo việc làm của lao động nông thôn bao gồm 3 nhân tố cơ bản. Trong mỗi nhóm nhân tố trên lại bao hàm những yếu tố nhỏ, cụ thể là: Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, sự sẵn sàng làm việc của người lao động, vốn tài chính của bản thân, được đào tạo nghề (yếu tố từ bản thân người lao động); vốn hộ gia đình, nhà xưởng, đất đai của gia đình, ảnh hưởng những người xung quanh, mối quan hệ của gia đình với cộng đồng (yếu tố thuộc về hộ gia đình); ảnh hưởng của các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ vốn cộng đồng, chính sách của địa phương, khả năng chia sẻ thông tin, mức độ phát triển của các doanh nghiệp nông thôn, công tác dạy nghề và nâng cao chất lượng lao động; hoạt động của thị trường lao động (yếu tố thuộc về cộng đồng).
Ngoài những nhân tố nêu trên, tạo việc làm cho lao động là cư dân làng chài còn chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố đặc thù, được thể hiện trong các nghiên cứu của Nguyễn Thế Tràm và các cộng sự (2010), Nienke (2006), Ulrich Kleih (2003). Trong đó, tập trung vào những nhân tố cơ bản sau: (1) Đặc điểm khí hậu và thời tiết, tiềm năng hải sản;(2) Dịch vụ giáo dục; (3) Vốn tài chính; (4) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng; (5) Trình độ tay nghề của lao động ngư dân.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu định tính tại địa bàn, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa, tỉnhThanh Hóa bao gồm 5 nhóm nhân tố: (i) Đặc điểm cư dân làng chài, (ii) Cơ chế chính sách, (iii) Giáo dục - Đào tạo, (iv) Điều kiện tự nhiên địa phương, (v) Kinh tế - xã hội địa phương. (Hình 1)
Hình 1: Mô hình đề xuất nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng
tới tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa
Biến phụ thuộc gồm 5 quan sát và biến độc lập là 5 nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài, gồm 23 quan sát được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1.Số lượng và tên các nhân tố lựa chọn trong mô hình phân tích
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nhằm xác định, bổ sung và điều chỉnh các biến quan sát, tác giả sử dụng công cụ phỏng vấn sâu đối với 3 chuyên gia và thảo luận nhóm với 5 cư dân làng chài về các yếu tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa.
Để tiến hành phân tích các nhân tố ảnh hưởng, tác giả tiến hành khảo sát đối với các cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa. Số phiếu phát ra là 220 phiếu, số phiếu thu về 202 phiếu, sau khi xử lý thu được 196 phiếu hợp lệ đưa vào phân tích. Thời gian thực hiện nghiên cứu của nhóm tác giả từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019.
Thang đo Likert 5 mức độ được dùng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tạo việc làm cho cư dân các làng chài. Sau đó, dữ liệu được đưa vào phân tích theo các bước: đánh giá độ tin cậy (Kiểm định Cronbach’s Alpha); phân tích nhân tố khám phá (EFA); kiểm định độ tin cậy cho các nhân tố tạo thành và phân tích hồi quy.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận (Bảng 2, 3, 4) 3.1. Kết quả nghiên cứu
Sau khi tính toán hệ số tương quan Cronbach’s Alpha, có 01 biến không phù hợp bị loại bỏ (CS3- Địa phương có chính sách thu hút đầu tư tạo việc làm).
Bảng 2. Kết quả kiểm định thang đo và các biến sau phân tích Cronbach’s Alpha
Đưa 22 biến quan sát đủ độ tin cậy của 5 thang đo vào phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho kết quả như sau: Các biến lựa chọn đều có hệ số tải nhân tố (Factor loading > 0,5). Các giá trị Eigenvalues đều lớn hơn 1 và phương sai cộng dồn của các nhân tố là 66,716% > 50%, đáp ứng tiêu chuẩn. Do vậy, 66,716% sự thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát.
Bảng 3. Ma trận hệ số tải nhân tố giữa các biến quan sát
(Sắp xếp theo tứ tự từ cao đến thấp của trị số hệ số vận tải
của các biến thành phần)
Sau khi kiểm định hệ số KMO = 0,779 >0,5 và hệ số Bartlett có giá trị Sig. = 0,000 < 0,05 nên dữ liệu có ý nghĩa thống kê, đảm bảo độ tin cậy cho phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa.
Phân tích nhân tố khám phá EFA cho thang đo của các biến độc lập tạo thành 5 nhân tố độc lập, đảm bảo yêu cầu phân tích, bao gồm: (i) Cơ chế chính sách, (ii) Kinh tế - xã hội địa phương, (iii) Đặc điểm cư dân làng chài, (iv) Giáo dục - Đào tạo, (v) Điều kiện tự nhiên địa phương.
Tác giả đặt giả thiết về những nhân tố tác động đến tạo việc làm cho cư dân làng chài như sau:
Sử dụng hàm hồi quy với 5 biến độc (5 nhân tố ảnh hưởng) từ kết quả phân tích ở trên là: CS - Cơ chế chính sách (giá trị trung bình của các biến CS1, CS2, CS4, CS5); KT - Kinh tế - xã hội địa phương (giá trị trung bình của các biến KT1, KT2, KT3, KT4, KT5); CD - Đặc điểm cư dân làng chài (giá trị trung bình của các biến CD1, CD2, CD3, CD4, CD5); GD - Giáo dục - Đào tạo (giá trị trung bình của các biến GD1, GD2, GD3, GD4); TN - Điều kiện tự nhiên địa phương (giá trị trung bình của các biến TN1, TN 2, TN3, TN4).
Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, các biến đều có hệ số phóng đại phương sai (VIF) nhỏ hơn 10, và Sig <0,05 với tiêu chuẩn chấp nhận Tolerance > 0,0001.
Chấp nhận các giả thiết H1, H2, H3, H4, H5 nghĩa là: “Cơ chế chính sách”; “Kinh tế - xã hội địa phương”; “Đặc điểm cư dân làng chài”; “Giáo dục - Đào tạo”; “Điều kiện tự nhiên địa phương” có ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa.
Bảng 4. Hệ số ảnh hưởng của các nhân tố đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa
Kết quả phân tích trong Bảng 4 cho thấy, hệ số R2 điều chỉnh = 0,687, tức là 5 nhân tố sử dụng trong mô hình hồi quy này có ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài là 68,7%. Các hệ số βi (i: 1 đến 5) của các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê cao ở mức 99,9%. Phương trình hồi quy chuẩn hóa thể hiện mối liên hệ này được viết như sau:
Y = 0,187 CS + 0,159 KT + 0,5010 CD + 0,203 GD + 0,081 TN
Từ các kết quả phân tích trên có thể khẳng định, các nhân tố ảnh hưởng đến tạo việc làm cho cư dân làng chài huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa theo tứ tự tầm quan trọng là: (CD) Đặc điểm cư dân làng chài; (GD) Giáo dục - Đào tạo; (CS) Cơ chế chính sách; (KT) Kinh tế - xã hội địa phương; (TN) Điều kiện tự nhiên địa phương.
3.2. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, “Đặc điểm cư dân làng chài” là yếu tố tác động mạnh nhất tới tạo việc làm cho cư dân làng chài, phù hợp với nghiên cứu của Đinh Quang Thái (2008) và Trần Thị Minh Phương (2015). Do đó, cần tập trung nâng cao trình độ văn hóa cũng như kỹ năng nghề nghiệp của cư dân làng chài, giúp họ mở rộng cơ hội nghề nghiệp, thoát dần nghề chài lưới lênh đênh trên thuyền bè. Đồng thời, tăng thu nhập cho các hộ gia đình cư dân vốn có kinh tế khó khăn, giúp họ tiếp cận đa dạng các nguồn vốn cũng là cách thức tác động mạnh mẽ đến tạo việc làm cho cư dân làng chài.
Nhân tố “Giáo dục - Đào tạo” có tác động mạnh thứ hai, điều này tương đồng với nghiên cứu của Ulrich Kleih (2003), khi cư dân làng chài có cơ hội tiếp cận với dịch vụ giáo dục, được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề sẽ nâng cao chất lượng lao động, từ đó cư dân sẽ tiếp cận được những công việc đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao hơn.
“Cơ chế chính sách” là nhân tố tác động thứ ba đến tạo việc làm cho cư dân làng chài hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của Hồ Thị Diệu Ánh (2015). Các chính sách của địa phương và Nhà nước có ảnh hưởng đối với vấn đề tạo việc làm thể hiện ở các nội dung như: Chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển của Đảng, Nhà nước thông qua chính quyền địa phương (chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách phát triển khu vực kinh tế phi chính thức, chính sách xuất khẩu lao động, chính sách tín dụng, chính sách thu hút đầu tư tạo việc làm,...); Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (chính sách tiền lương, tiền công, chính sách di dân,...).
Tiếp theo là nhân tố “Kinh tế - xã hội địa phương”, trước hết thể hiện ở trình độ phát triển sức sản xuất xã hội, mức độ tập trung sản xuất, mức độ phát triển ngành nghề. Nếu trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cao, càng tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú thì sẽ tạo ra nhiều việc làm cho cư dân các làng chài.
Cuối cùng, nhân tố “Điều kiện tự nhiên địa phương” chi phối rất lớn đến việc tạo việc làm cho cư dân làng chài. Vùng sông nước thường xuyên chịu tác động do biến đổi khí hậu tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng cư dân làng chài. Do đó, tìm kiếm những việc làm mới là nhu cầu bức thiết của người dân.
4. Kết luận và kiến nghị
Dựa trên mô hình nghiên cứu đề xuất và kết quả phân tích, bài báo đã xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tạo việc làm cho cư dân làng chài tại huyện Thiệu Hóa - Thanh Hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, do đặc thù nghề nghiệp nên lao động cư dân làng chài có những khác biệt so với lao động khác, điều này đã tác động rất lớn đến vấn đề tạo việc làm.
Để thực hiện hiệu quả công tác tạo việc làm cho cư dân làng chài đòi hỏi phải có sự phối hợp từ nhiều phía. Trong đó, ngoài sự chủ động của cư dân làng chài thay đổi thói quen tập tục xa xưa, học tập nâng cao trình độ, tay nghề, thì cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cư dân làng chài về việc làm.
Xuất phát từ kết quả nghiên cứu và thảo luận trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
(i) Đối với UBND huyện: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, chọn nghề, phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn nâng cao tay nghề. Phối hợp với đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn để ký hợp đồng lao động, bố trí việc làm phù hợp để giải quyết việc làm cho lao động làng chài. Chỉ đạo sát sao hơn nữa việc sử dụng các nguồn vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để nguồn vốn được phân bổ có hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ và bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cư dân làng chài có thể vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
(ii) Đối với Nhà nước: Nghiên cứu xây dựng các chính sách pháp luật có sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành để có những cơ chế hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn, qua đó tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động làng chài. Cụ thể như: Lồng ghép chính sách tạo việc làm cho lao động nông thôn, cư dân làng chài với chính sách phát triển của các ngành/lĩnh vực; Thường xuyên nghiên cứu phân tích đánh giá sâu về hiệu quả các chính sách việc làm đối với đối tượng lao động nông thôn, cư dân làng chài, để qua đó từng bước hoàn thiện cơ chế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hồ Thị Diệu Ánh, (2015), Tự tạo việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Nguyễn Thế Tràm, Phạm Hảo, Trương Minh Dục, (2010), Các giải pháp giải quyết việc làm cho ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung, NXB. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
3. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Hồng Đức.
4. Trần Thị Minh Phương, (2015), Giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn thành phố Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
5. Đinh Quang Thái, (2008), Giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động nông thôn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Thái Nguyên.
6. Nguyễn Thị Tám, (2016), Sinh kế của cư dân các làng chài dọc sông Lô thuộc địa phận hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
7. Trap, Nienke, (2006), Vulnerabilyty of fishing communities in Vietnam: an exploration of the scope to adapt to environmental change”, Master thesis, Amsterdam, Environment and Resource Management of the Institute for Environment Studies (IVM), the Vrije Universiteit.
8. Ulrich Kleih et al, (2003), Livelihoods in Coastal fishing communities and the marine fish marketing system of Bangladesh”.
9. Ủy ban nhân dân huyện Thiệu Hóa, (2018), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2018; nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Factors affecting job creation for fishermen in Thieu Hoa District, Thanh Hoa Province
Master. Le An Tuan
Master. Tran Thi Kim Dung
Hong Duc University
ABSTRACT:
Creating jobs in general and creating jobs for fishing village residents in particular are affected by many factors. This paper uses a regression model to determine and evaluate factors affecting job creation for fishing village residents living in Thieu Hoa District, Thanh Hoa Province. The resuls show that factors affecting job creation for fishing village include characteristics of fishing village residents, educations, policy mechanisms, local socio-economy and Local natural conditions.
Keywords: Job creation, fishermen, Thieu Hoa Distric, Thanh Hoa Province.