Nhân tố khởi đầu cho hợp tác sản xuất chip Việt Nam-Đài Loan
Trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hợp tác với Đài Loan trong sản xuất chip bán dẫn, khuyến nghị đầu tiên là việc đào tạo nhân sự chất lượng cao, với các kênh trao đổi sinh viên tài năng.
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã bước đầu thiết lập một số cơ sở sản xuất chip trong nước nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn để thực sự tham gia vào chuỗi sản xuất vì đa phần vẫn chỉ dừng ở công đoạn lắp ráp trong khi công nghệ cốt lõi vẫn thuộc về các công ty nước ngoài.
Phát biểu tại Cuộc tọa đàm về kinh tế tuần hoàn và kinh tế số diễn ra tại Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC) hôm 19/6, Phó Chủ nhiệm NDC, bà Shien Quey Kao cho rằng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, xu thế thấy rõ là rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển các cơ sở sản xuất về Việt Nam, nơi được coi là điểm đến an toàn cho dòng đầu tư nước ngoài (FDI).
Trả lời phỏng vấn phóng viên VietnamPlus về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt-Đài trong sản xuất chip, bà Shien Quey Kao nói: “Tôi cho rằng các công ty Đài Loan hiện cũng đang cân nhắc các khả năng trước khi có quyết định cụ thể. Với các vụ đầu tư dạng này, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Đài Loan phải xem xét những công nghệ liên quan và vấn đề nhân sự chất lượng cao cần thiết để thiết lập nhà máy. Họ cũng cũng sẽ cân nhắc những chính sách hỗ trợ và khuyến khích có liên quan từ phía chính phủ nước tiếp nhận đầu tư. Và sau tất cả, đây là những đơn vị thuộc khu vực tư nhân, họ sẽ phải tự xem xét vấn đề lợi nhuận tương ứng.”
Theo nhiều chuyên gia phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang phát triển nhanh vì những công ty bị ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã tìm đến Việt Nam đầu tư trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, để biến những lợi ích này thành tăng trưởng dài hạn, Việt Nam phải điều chỉnh lại khung chính sách, mở rộng đào tạo nghề cho các ngành công nghệ cao và đẩy mạnh hỗ trợ cho các công ty nội địa.
Phần lớn chip xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Các số liệu từ Chính phủ Việt Nam cho thấy 98% xuất khẩu sản phẩm điện tử là từ các dự án FDI. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chủ yếu là khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Việt Nam chưa sản xuất bất kỳ sản phẩm bán dẫn nào ở trong nước. Những con chip “Made in Vietnam” đầu tiên của tập đoàn FPT Semiconductor cũng được sản xuất tại Hàn Quốc.
Khi nói về công nghệ sản xuất chip, với bất kỳ quốc gia nào, đều phải bắt đầu từ con số 0 vì thực sự nó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Phó Chủ nhiệm NDC, bà Shien Quey Kao cho rằng trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, lời khuyến nghị đầu tiên là việc trao đổi nhân sự chất lượng cao, với các kênh trao đổi sinh viên tài năng.
Phía Đài Loan hoan nghênh các sinh viên Việt Nam sang Đài Loan học tập trong những ngành, chương trình liên quan tới sản xuất chất bán dẫn và kể cả nghiên cứu.
Theo bà Shien Quey Kao, hiện các công ty Đài Loan đã mở rất nhiều cơ sở sản xuất chip ở nước ngoài, như nhà máy sản xuất chip 5 nanomet (nm) tại Mỹ, chip 12 nanomet ở Nhật Bản và sẽ có thêm nhiều nhà máy nữa mà khả năng cao là đặt tại Đức.
Số lượng lớn du học sinh Việt Nam tại Đài Loan là cơ sở cho những khuyến nghị về trao đổi sinh viên tài năng phục vụ các dự án hợp tác sản xuất chip Việt Nam-Đài Loan. Liên quan đến vấn đề hợp tác đào tạo sinh viên giữa Việt Nam và Đài Loan, theo thống kê của Bộ Giáo dục Đài Loan, tính đến năm 2021, Việt Nam đang dẫn đầu về số lượng sinh viên (từ bậc đại học và học ngôn ngữ) du học tại Đài Loan với hơn 18.000 người.
Bảng xếp hạng này của Bộ Giáo dục Đài Loan bao gồm nhóm sinh viên những nước châu Á-Thái Bình Dương (trong đó có Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar và Ấn Độ)./.
Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/04/2012 về phê duyệt “Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”, trong đó xác định và chỉ rõ “vi mạch điện tử” được xem là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước.
Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg về “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” và “Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”, trong đó chỉ rõ các công nghệ thiết kế, chế tạo vi mạch bán dẫn và sản phẩm vi mạch bán dẫn thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.